Temu tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam

Chiều 4-12, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) xác nhận, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam để hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết.

Động thái này diễn ra sau khi Bộ Công thương yêu cầu Temu đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

IMG_5687.jpeg
Sàn thương mại điện tử Temu đã tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Hiện tại, Temu đã chuyển giao diện ứng dụng và website từ tiếng Việt sang tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp, đồng thời ngừng mọi giao dịch cũng như chương trình thưởng hoa hồng cho đối tác tiếp thị. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn bày tỏ lo ngại khi các đơn hàng đã đặt từ đầu tháng 11 chưa được giao và việc hoàn tiền chưa được xử lý.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang. Theo quy định, Temu có nghĩa vụ hoàn tiền cho khách hàng nếu không giao hàng đúng hạn. Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) để giám sát chặt chẽ hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.

Trước đó, từ cuối tháng 9, Temu - thuộc Tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc) - chính thức gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó, sàn này bị phát hiện chưa đăng ký hoạt động theo quy định. Bộ Công thương đã yêu cầu Temu khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, đồng thời dừng toàn bộ hoạt động thương mại, quảng cáo tại Việt Nam.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đã ra công văn yêu cầu không thông quan các đơn hàng giao dịch qua các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký hợp pháp. Hiện, mọi đơn hàng từ Temu không được làm thủ tục thông quan. Theo Tổng cục Hải quan, chỉ khi Temu được Bộ Công thương cấp phép, hàng hóa qua sàn này mới được xử lý.

Theo các chuyên gia thương mại, việc Temu tạm dừng hoạt động tại Việt Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về các rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng xuyên biên giới chưa được cấp phép. Người tiêu dùng cần cẩn trọng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc gặp khó khăn trong quá trình khiếu nại. Bộ Công thương khẳng định tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục