Trái cây bày bán trên thị trường được gắn tem nhãn thoải mái, vô tội vạ, rất khó kiểm chứng. Không hiếm mặt hàng đội lốt New Zealand, Canada, Mỹ nhưng thực chất xuất xứ… Trung Quốc. Việc gắn tem nhãn có mã vạch để dễ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng chính cán bộ một số cơ quan chuyên trách tại TPHCM lại thừa nhận không dễ quản lý tem nhãn này. Rõ ràng, người tiêu dùng đang bị đánh đố trước ma trận tem nhãn trái cây.
Trái cây có dán tem nhãn bày bán tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Ảnh: Gia Hân
Tác dụng… làm đẹp
Ghi nhận của phóng viên, phần lớn các mặt hàng trái cây tươi nhập khẩu bày bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị… đều dán tem nhãn. Tuy nhiên, nếu tại các điểm kinh doanh uy tín, người mua có thể quẹt mã tem trái cây để đọc thông tin sản phẩm; thì tem dán trên trái cây bán tại các tuyến đường Đông Bắc, Dương Thị Mười (quận 12); xung quanh Bến xe Chợ Lớn (quận 6)... lại có tác dụng làm đẹp là chính. Hàng loạt địa chỉ chuyên in decal thuộc các quận 10, Tân Bình, Bình Tân có mức giá “mềm” khoảng 25 - 40 đồng/con tem; muốn bao nhiêu, xuất xứ nước nào cũng có.
Tại khu chợ tự phát trên đường Dương Thị Mười (cách Bệnh viện Quận 12 khoảng vài trăm mét) luôn thu hút lượng lớn người mua vào các buổi sáng, trưa. Phóng viên hòa vào dòng người kẹt cứng đang chen chân lựa cam, nho. Người bán nhanh miệng quảng cáo: Tất cả đều là hàng Mỹ, Úc nhập khẩu, còn nguyên tem nhãn. Cam Úc, Mỹ giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, nho California (Mỹ) giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg. Thế nhưng, quan sát kỹ, thùng đựng các loại trái cây xịn này lại ghi xuất xứ… Trung Quốc. Thấy người mua nghi ngờ, người bán khẳng định, số trái cây này không những được chủ hàng phân phối tại chợ truyền thống mà còn bỏ cho các siêu thị, cửa hàng lớn ở TPHCM (!?).
Tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, khoảng thời gian 23 giờ, 24 giờ được xem là giờ “vàng” cho hàng nhập khẩu đổ về. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những container trái cây “khủng” cập chợ đầu mối; trong đó có nhiều loại trái cây nhập từ Trung Quốc. Chị Mai Thu, tiểu thương đang gom trái cây về bán ở tỉnh Bình Dương, cho biết: “Mình mua hàng đủ chủng loại, xuất xứ, mùa nào thức ấy. Mình thường lấy cam, nho của Mỹ, Úc, Trung Quốc… Hàng gì, xuất xứ ở đâu mình sẽ yêu cầu tiểu thương tại chợ chú thích rõ trên thùng sản phẩm và trên biên lai nhận hàng. Trái cây của Trung Quốc có giá chỉ bằng 1/3 - 1/5 so với hàng cùng loại xuất xứ Mỹ, New Zealand. Tùy phân khúc khách hàng, mình sẽ bán cho họ các loại trái cây phù hợp túi tiền, yêu cầu”.
Vừa qua, các cơ quan chuyên trách đưa ra đánh giá sơ bộ rằng, người mua rau quả, trái cây các loại xuất xứ Trung Quốc đã giảm đáng kể trong vài năm qua, vì lo ngại hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, với tư cách người trong nghề, chị Mai Thu đưa ra nhận định: “Chỉ người mua nhầm chứ người bán không nhầm. Việc dán nhãn xịn cho trái cây dỏm để lừa người tiêu dùng diễn ra tràn lan, không có gì lạ”. Đây cũng là một trong những lý do khiến trái cây Trung Quốc dường như lặn mất tăm trên thị trường, trong khi hàng này vẫn được nhập về chợ đầu mối đều đặn từng đêm.
Chưa đủ tin cậy?
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo một số chợ đầu mối chuyên doanh rau củ, trái cây tại TPHCM cho biết, trái cây xuất xứ Trung Quốc đều có khu kinh doanh rõ ràng để phân biệt với những mặt hàng nhập khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên, việc phân bổ, bán hàng là việc của tiểu thương với khách. Tem nhãn chỉ được kiểm tra, đối chiếu tại chợ; một khi tem ra ngoài chợ thì ban quản lý chợ đành… bó tay. Ông Nguyễn Văn, giám đốc một công ty chuyên doanh trái cây nhập khẩu tại TPHCM, nhận định công tác kiểm định chất lượng trái cây ngoại nhập khá lỏng lẻo, bởi chính những người kiểm định cũng không hiểu biết hết về các loại trái cây. Theo lý giải của vị này, việc kiểm định chỉ dừng lại ở kiểm tra xuất xứ, bao bì, nhãn mác chứ không giám sát được quá trình vận chuyển, đóng gói ra thị trường.
Người dân chọn mua trái cây tại một chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Ảnh: GIA HÂN
Đánh giá ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG), cho rằng những tem nhãn này không nói lên được điều gì, bởi chất lượng của sản phẩm còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, hiện có một sự nhầm lẫn phổ biến giữa tem nhãn và tem chống hàng giả, bởi tem nhãn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là công bố những thông tin về sản phẩm đến người dùng, không có chức năng chống giả về mặt pháp lý. “Trên thực tế, hiện vẫn chưa có quy định nào quản lý cụ thể về việc in ấn tem nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm, có thể là doanh nghiệp tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Còn tem chống hàng giả lại khác, để có thể in tem chống hàng giả, nhà cung cấp cần nhiều giấy phép, cần chứng nhận đủ điều kiện in tem chống giả và ngay cả doanh nghiệp muốn in tem chống giả dán lên sản phẩm cũng cần thỏa mãn nhiều điều kiện khắt khe. Vì vậy, mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm, mà còn cần kết nối tem nhãn, mã vạch đó với những công nghệ bảo mật tiên tiến khác, đặc biệt là tem chống hàng giả”, ông Nguyễn Viết Hồng nói.
THI HỒNG