Hiệu quả, an toàn trong mùa dịch
Theo ước tính của Bộ Y tế, triển khai Telehealth giúp xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong đó phần lớn là chi phí đi lại, khám chữa bệnh. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cả nước đã xây dựng được mạng lưới hơn 1.500 điểm cầu kết nối khám chữa bệnh từ xa và Bộ Y tế đang tiếp tục mở rộng thêm các điểm cầu. Do đó, Bộ Y tế quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành ở các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị, để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng.
Qua hệ thống Telehealth, đội ngũ chuyên gia, giáo sư ở 3 miền Bắc, Trung, Nam sẽ tập trung giúp các địa phương kịp thời xử lý vấn đề xảy ra trong quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, khẳng định, rối loạn đông máu sau tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Với hệ thống Telehealth được Bộ Y tế triển khai tới tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả hiện tượng này, đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng.
Cùng nhận định rằng Telehealth góp phần hiệu quả vào công tác phòng chống dịch, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn xử trí các phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine Covid-19 và tập huấn cho các địa phương. “Hệ thống y tế của chúng ta hiện đáp ứng xử trí các phản ứng, tai biến sau tiêm vaccine Covid-19”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nêu rõ.
Thách thức khi triển khai diện rộng
Lợi ích Telehealth mang lại rất lớn và thấy rõ, nhưng theo các chuyên gia y tế, việc triển khai hệ thống này trên diện rộng gặp không ít rào cản. Điển hình là việc phải thay đổi thói quen của người dân, các y bác sĩ từ cách thức khám chữa bệnh cũ sang phương pháp khám chữa bệnh mới. Bên cạnh đó, để việc nhân rộng đạt hiệu quả thực sự, cần có cơ sở pháp lý cho hình thức Telehealth. Trong tương lai, khám chữa bệnh từ xa cần được luật hóa giống như khám chữa bệnh trực tiếp; đồng thời được áp dụng chính sách chi trả từ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để thu hút sự quan tâm của người bệnh.
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, hiện tại hệ thống Telehealth phục vụ hội chẩn từ xa của BV đặt cố định tại phòng họp của BV, không thể linh động sử dụng. Cùng với đó, việc trang bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật hội chẩn từ xa, cũng như huấn luyện đào tạo kỹ thuật vận hành thiết bị chưa đồng đều ở các BV, đặc biệt ở các BV tuyến dưới. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn kiến nghị, Bộ Y tế nhanh chóng đầu tư, thực hiện thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng; hỗ trợ kinh phí để tiếp tục triển khai hoạt động, mua sắm trang thiết bị và bồi dưỡng cho nhân sự tham gia thực hiện.
Đồng quan điểm, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến BV Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, trong 133 điểm cầu thường xuyên kết nối với BV Nhi đồng 1, hiện có rất ít điểm cầu có hệ thống Telehealth, phần lớn các BV, trung tâm y tế sử dụng phần mềm Zoom. Vì vậy, việc bảo mật thông tin khi hội chẩn từ xa với những đơn vị chưa được trang bị hệ thống Telehealth không đảm bảo. Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu lâu dài cần được trang bị thêm trung tâm dữ liệu (data center).
Đại diện một số bệnh viện cho rằng, quá trình triển khai Telehealth chưa có bất kỳ nguồn thu nào, phía bảo hiểm y tế cũng chưa có hướng dẫn chi trả. Đây là khó khăn khi các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để ngoài Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì các đơn vị bảo hiểm khác, trong đó có bảo hiểm tư nhân, được quyền tham gia vào, qua đó việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đưa ra mức kinh phí, giá dịch vụ y tế phù hợp với khung giá của các dịch vụ trong khám chữa bệnh từ xa để các BV có cơ sở áp dụng.
* Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội: Thay đổi thói quen của người bệnh |
Cứu sống nhiều bệnh nhân
Ngày 31-5, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thông tin vừa hỗ trợ từ xa cho các bác sĩ BV đa khoa tỉnh Quảng Nam can thiệp thần kinh cấp cứu một trường hợp đột quỵ xuất huyết do vỡ túi phình mạch máu não. Bệnh nhân nam 46 tuổi, đang ngủ thì đột ngột trợn mắt, gồng cứng người, sùi bọt mép, mất ý thức. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy có xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình của động mạch não giữa bên phải. Nhận định đây là một ca bệnh khó, cần phải xử lý can thiệp cấp cứu, ê kíp can thiệp đã liên hệ và đề nghị sự hỗ trợ về chuyên môn từ khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Chợ Rẫy. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bước hỗ trợ lập tức được tiến hành lập tức dưới hình thức hội chẩn trực tuyến. Ê kíp bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã tiến hành can thiệp nội mạch tắc túi phình dưới sự hỗ trợ trực tuyến của các chuyên gia BV Chợ Rẫy. Sau hơn 1 giờ thủ thuật, các bác sĩ đã can thiệp thành công. Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, trả lời đúng y lệnh, không yếu liệt, giảm đau đầu và bệnh nhân đang hồi phục tốt.
Cùng ngày, BV Nhi đồng 1 cho biết vừa hỗ trợ BV Sản - Nhi Nghệ An thông qua Teleheath thăm khám và đưa ra hướng điều trị cho bệnh nhi nữ, 52 tháng tuổi, vào viện với lý do ho, sốt kéo dài trên nền bệnh Thalassemia. Bệnh nhi nhập viện với tình trạng tỉnh, thở mệt, gan lách to cùng tổn thương nhiều hai bên phổi trên X-quang và CT scan, tổng phân tích nước tiểu có nhiều dấu hiệu bất thường. Bệnh nhi đã điều trị 11 ngày tại BV Sản - Nhi Nghệ An. Sau 120 phút trao đổi và hội chẩn, các thành viên tham gia thống nhất một số vấn đề trong chẩn đoán, điều trị hiện tại cũng như hướng theo dõi lâu dài cho bé.