Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Sau 4 tháng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn hơn 300 bệnh nhân. Những buổi phát trực tiếp chương trình trên mạng xã hội không chỉ thu hút các đồng nghiệp mà còn thu hút rất nhiều người dân theo dõi.
Mô hình này đã được chúng tôi triển khai ở tỉnh An Giang vào năm 2017. Dự án được triển khai ở các BV, các cơ sở y tế có các ca sinh nở. Chúng tôi thực hiện lắp đặt các máy có ống nghe và khả năng phát wifi tiếng tim phổi của bé sơ sinh vào một phần mềm; sau đó, ứng dụng này sẽ lọc tiếng tim bệnh lý. Đối với các trường hợp này, bác sĩ của BV Đại học Y Hà Nội sẽ nghe lại tiếng tim. Nếu nghi ngờ trẻ có vấn đề, trẻ sẽ được siêu âm tim để sàng lọc. Tính đến năm 2019, dự án đã giúp sàng lọc 30.000 trẻ em và tìm ra được tỷ lệ gần 1/1.000 trẻ bị
tim bẩm sinh.
Việc hội chẩn trực tuyến của hệ thống Telehealth sẽ diễn ra hoàn toàn khác, Đó là buổi hội chẩn đa trung tâm, đa BV. Tất cả thông tin dữ liệu liên quan bệnh lý đều được công khai. Như vậy, thông qua Telehealth, không chỉ người bệnh hưởng lợi mà rất nhiều bác sĩ học viên, thậm chí bác sĩ chuyên khoa khác, cũng được học, hiểu về bệnh lý đó. Điều quan trọng hơn là người dân khi tham gia hội chẩn sẽ hiểu ngành y và có niềm tin hơn với BV tuyến dưới, BV địa phương. Khi đó, họ biết rằng các bác sĩ địa phương cũng đủ trình độ khám chữa bệnh, đặc biệt là có BV tuyến trung ương đứng phía sau hỗ trợ.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân bị viêm ruột thừa hoặc có u nang tuyến giáp, can thiệp mạch vành hoàn toàn có thể thực hiện ở BV tuyến tỉnh, nhưng họ vẫn di chuyển đến BV tuyến trung ương. Vì vậy, khi Telehealth ra đời, số lượng người bệnh đến các cơ sở tuyến cuối, tuyến trung ương sẽ được cải thiện rõ rệt. Khi đó, các BV tuyến trung ương có thể mở rộng số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh hơn và chữa các bệnh khó hơn nữa. Nhân lực y tế sẽ được dàn đều ở các nơi, tránh tình trạng quá tải ở tuyến trên còn tuyến dưới thì thiếu bệnh nhân.
Hiện tại, chỉ có 7 BV trong tổng số 161 BV huyện đăng ký sử dụng Telehealth. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nâng cấp hệ thống BV vệ tinh đến tận xã. Các bác sĩ ở BV huyện sẽ quản lý các trạm y tế xã, với các kết nối thông minh, đặc biệt là các thiết bị. Nhân rộng hơn, nếu mô hình này thành công thì sẽ có nhiều BV tuyến trung ương có thể triển khai mạng lưới giống như BV Đại học Y Hà Nội.
Việc triển khai kỹ thuật này là một việc rất mới. Người bệnh đã quen với việc phải đến tận nơi gặp bác sĩ. Giờ họ cần làm quen với việc sử dụng công nghệ để có thể theo dõi sức khỏe của mình. Nên tôi nghĩ rất cần có sự tham gia của truyền thông, cùng với hệ thống y tế, các bác sĩ và BV phải vào cuộc để thúc đẩy người dân sử dụng công cụ này. Và một việc đặc biệt quan trọng chính là hành lang pháp lý. Các cơ quan quản lý nhà nước phải ban hành những thông tư hướng dẫn rõ ràng đối với hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đặc biệt là cơ quan bảo hiểm y tế phải tìm ra phương hướng để chi trả cho việc khám chữa bệnh từ xa bằng Quỹ bảo hiểm y tế; vì sử dụng hệ thống này sẽ giúp giảm tốn kém cho cả bệnh nhân lẫn Quỹ bảo hiểm y tế. Bởi mỗi lần bệnh nhân đến BV khám, dù không cần thiết, là một lần quỹ bị tiêu tốn nguồn lực.
Trong mùa dịch Covid-19, hệ thống Telehealth đem lại hiệu quả rõ nhất là giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến BV; giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ BV cơ sở đến BV trung ương; đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của bệnh nhân. Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy, còn Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Một bác sĩ đang có hai tay, sẽ có thêm cánh tay thứ ba là Telehealth. Đây sẽ là hệ thống hữu hiệu hỗ trợ cho hệ thống y tế q