Rạn san hô Great Barrier, cấu trúc sống lớn nhất thế giới, có thể nhìn thấy từ vũ trụ, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới năm 1981.
Trước đó, dải san hô nhiệt đới trải dài 2.300km, nơi có hệ sinh thái đa dạng sinh học tuyệt đẹp này đã trải qua 6 lần bị tẩy trắng nghiêm trọng trên diện rộng vào các năm 1998, 2002, 2016, 2017, 2020 và 2022 và đã đe dọa biến những bờ san hô rực rỡ một thời thành một màu trắng .
Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên thế giới và Great Barrier cũng không ngoại lệ. Tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ dưới nước ấm hơn 1 độ so với mức trung bình trong thời gian dài, khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm màu sắc rực rỡ của san hô biến mất. Một số loài san hô bị tẩy trắng có thể phục hồi đáng kể và có khả năng phục hồi nếu nhiệt độ nước biển giảm.
Các nhà khoa học của Chính phủ Australia đã xác nhận đợt tẩy trắng mới sau khi tiến hành khảo sát trên không đối với 300 rạn san hô “cạn”. Cơ quan quản lý rạn san hô Great Barrier của Australia cho biết, sẽ cần tiến hành thêm các cuộc khảo sát để đánh giá quy mô và mức độ tẩy trắng lần này.
Theo kết quả quan trắc, nhiệt độ nước biển dọc theo rạn san hô Great Barrier đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vài tuần qua. Ông Richard Leck, người đứng đầu bộ phận về đại dương tại Quỹ Động vật hoang dã thế giới Australia, cảnh báo nguy cơ hàng loạt san hô sẽ chết nếu nhiệt độ đại dương không sớm hạ nhiệt trong những tuần tới. Đợt tẩy trắng lần này xảy ra ở khu vực mà trước đây san hô chưa từng tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt như vậy và nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang gây áp lực rất lớn đối với rạn san hô Great Barrier.
Năm ngoái, hiện tượng tẩy trắng diễn ra tương tự ở Bắc bán cầu, khiến san hô chết hàng loạt ở Florida và Caribe.