Điểm đến hàng đầu về du lịch tâm linh
Xác định đúng tiềm năng, thế mạnh và mạnh dạn chọn du lịch là trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Tây Ninh đã sớm triển khai quy hoạch Khu du lịch (KDL) quốc gia núi Bà Đen trình Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư. Với sự tham gia đầu tư của Tập đoàn Sun group, KDL quốc gia núi Bà Đen giờ đây đã lột xác với hệ thống cáp treo, máng trượt hiện đại đưa khách lên đỉnh núi Bà cao nhất Đông Nam bộ, có tượng Phật Bà trên đỉnh núi cao nhất nhì khu vực. Nhà ga đi và đến cũng được đầu tư khang trang, rộng rãi, đủ sức phục vụ hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Đặc biệt là cung cách phục vụ chào hỏi khách đến và đi “Xin chào!” đã tạo được thiện cảm với du khách đã biến núi Bà Đen trở thành điểm đến hàng đầu không chỉ của riêng tỉnh Tây Ninh mà cả khu vực Đông Nam bộ. Việc đầu tư vào KDL núi Bà Đen đã góp phần tạo nên sức hút mới cho ngành du lịch của cả vùng Đông Nam bộ và biến Tây Ninh trở thành một điểm đến hấp dẫn trong ngành du lịch nước nhà.
Tòa thánh Cao Đài với kiến trúc độc đáo, hình mẫu về quy hoạch kiến trúc tôn giáo trong lòng đô thị được du khách biết đến từ lâu đã biến Tây Ninh trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch tâm linh của khu vực Đông Nam bộ và cả nước. Nếu trước đây, mỗi năm Tây Ninh đón tối đa 2,5 triệu lượt khách thì vài năm gần đây, lượng khách đến đã đạt gần 5 triệu lượt (năm 2019, trước dịch Covid-19). Ngay khi dịch được kiểm soát, ngành du lịch Tây Ninh đã phối hợp với TPHCM triển khai các tour du lịch an toàn, nhờ đó trong năm 2022, du lịch của Tây Ninh phục hồi mạnh mẽ với hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 200% so với năm 2021, doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ.
Độc đáo ẩm thực
Có dịp nhiều lần đến Tây Ninh, chúng tôi mới phát hiện ra ẩm thực Tây Ninh cũng độc đáo và “đậm đà như tình người Tây Ninh”, theo nhận xét của nhiều du khách. Đầu tiên phải kể đến món bánh canh Trảng Bàng ăn với 16 loại rau rừng, là món ăn phổ thông nhất của người dân địa phương; kèm với đó là bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc cũng đi với rau rừng, rau mọc trên sông Vàm Cỏ Đông. Tiếp đó là món bò tơ Tây Ninh nổi tiếng với người dân phương Nam nhiều thập niên qua. Trong món bò, có 2 món không thể thiếu với du khách là lá sách bò để nguyên, không tẩy trắng và lẩu đuôi bò đậm đà. Sau khi ăn xong, khách sẽ được thưởng thức trái cây với mãng cầu ngon nức tiếng.
Sẽ là một thiếu sót nếu nhắc đến ẩm thực Tây Ninh mà không kể đến món chay Tây Ninh đa dạng về nguyên liệu, phong phú về sản phẩm được các đầu bếp đầu tư công phu từ chính thói quen ăn chay của các tín hữu đạo Cao Đài.
Từ thực tiễn phát triển du lịch thời gian qua, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng, các tỉnh thành khu vực Đông Nam bộ cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư lớn, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thế mạnh của từng địa phương; xóa bỏ cách làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch, dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao hướng tới tầm quốc tế; cần tạo nên các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, của vùng Đông Nam bộ để trên cơ sở đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch gắn với tour tuyến du lịch, tránh trùng lắp giữa các địa phương. Đồng thời, 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước cần có đề án phát triển du lịch hồ Dầu Tiếng theo hướng bền vững, không chỉ phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn biến nơi đây thành một điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực và quốc gia trong tương lai gần.