Tây Ninh từng bước định hình trung tâm chăn nuôi công nghệ cao

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có vị trí địa lý thuận lợi khi gần các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Bình Dương và các cửa khẩu biên giới kết nối với Campuchia. Cùng với với nguồn tài nguyên đất dồi dào, Tây Ninh đang là điểm đến của các nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn

Tây Ninh có những vùng nông nghiệp phát triển mạnh, sẵn nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú từ các phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, cám khoai mì, cỏ tự nhiên và ngô. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc các doanh nghiệp xây dựng, mở rộng các trang trại chăn nuôi. Vài năm trở lại đây, Tây Ninh trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi. Đó là địa phương đã và đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

z6109804833339_7f20b715635e2bf42c349f3bbfa2b955.jpg
Trang trại Vina Farm – Tây Ninh 1 nhìn từ trên cao

Trong đó, những cái tên lớn như Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus, CP Group, Dabaco, Masan, Tập đoàn Vinafeed, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam QL… đã xây dựng các trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại Tây Ninh, không chỉ tập trung vào chăn nuôi mà còn phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ chăn nuôi.

Đáng chú ý, tháng 5- 2024, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó là 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh đang được tăng tốc để kịp triển khai trong giai đoạn 2025-2030 do liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, với quỹ đất sạch lớn, Tây Ninh mang đến nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước. Đặc biệt, vai trò của Tây Ninh sẽ còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài được đưa vào sử dụng.

z6109805000038_1e0ac154bd56b36d99390e16829b9f2c.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác thăm Công ty TNHH QL Việt Nam, đơn vị hàng đầu xuất khẩu trứng gà

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng đã vận hành cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng tại huyện Tân Châu, với quy mô 5.000 heo nái và 60.000 heo thịt. BAF cũng khánh thành trang trại xanh nuôi heo công nghệ cao Tân Châu với quy mô 30.000 heo thịt. Không chỉ dừng lại ở trại Hải Đăng, BAF tiếp tục đưa vào vận hành trang trại Tâm Hưng và khởi công xây dựng trang trại nuôi heo Tây An Khánh, với công suất lên đến 60.000 heo thịt. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho hệ thống trang trại ngày càng mở rộng, BAF cũng tiến hành nâng cấp nhà máy cám tại Tây Ninh, tăng công suất thêm gần 70%.

Còn Tập đoàn Vinafeed đã khánh thành trang trại nuôi heo Vina Farm – Tây Ninh 1 (tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu). Vina Farm – Tây Ninh 1 có diện tích hơn 32 hecta và tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trang trại này áp dụng quy trình quản lý khép kín thông minh với công nghệ tự động hóa tiên tiến trong các khâu như cho ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng trại, khám sức khỏe và thu hoạch. Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp trang trại thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Các dự án nói trên đã thổi thêm luồng gió mới cho ngành nông nghiệp, tạo ra sự đột phá trong ngành chăn nuôi của địa phương. Điều đó không chỉ giúp Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Đông Nam bộ mà còn tạo ra những cơ hội lớn trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, trong ngoài nước.

Hướng đến một trung tâm chăn nuôi công nghệ cao

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Tây Ninh, hiện chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ cao với khoảng 20% và đang tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường khá phổ biến. Ngoài môi trường, các mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khá cao. Do đó, ngành nông nghiệp địa phương cần tổ chức lại các khâu sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, làm đòn bẩy để tỉnh đưa các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu xa hơn. Tây Ninh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ với công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

z6109804917412_8ef652424645d42a44cc69246d033156.jpg
Bên trong trại trang trại gà của Công ty TNHH QL Việt Nam

Số liệu của Sở NN- PTNT tỉnh Tây Ninh cho thấy, địa phương hiện có 580 trang trại chăn nuôi gia súc (gồm 128 trang trại chăn nuôi lợn, 49 trang trại chăn nuôi trâu và 403 trang trại chăn nuôi bò) và 111 trang trại chăn nuôi gia cầm; trong đó, hai huyện Tân Châu và Tân Biên có số lượng trang trại tập trung nhiều nhất. Toàn tỉnh xây dựng 71 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó có 49 cơ sở chăn nuôi gà, 21 cơ sở chăn nuôi heo và 1 cơ sở chăn nuôi bò. Trong giai đoạn 2024-2025, Tây Ninh phấn đấu có 3 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định Việt Nam, 1 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới với bệnh cúm gia cầm.

1000038231.jpg
Nuôi bò sữa tại trang trại bò sữa Green Farm của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) ở ấp Long Thịnh, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng muốn hướng tới xuất khẩu một cách an toàn thì buộc phải tuân thủ các quy định này. Hiện các dự án đầu tư có vốn hàng ngàn tỷ vào ngành chăn nuôi tại Tây Ninh đang tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Những dự án quy mô lớn này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi mà còn đóng góp lớn vào kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tây Ninh đang từng bước khẳng định vị thế của mình là trung tâm chăn nuôi công nghệ cao và phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam bộ.

Tin cùng chuyên mục