Kết quả ấn tượng
Ngày 5-10-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đến ngày 10-6-2022, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ; doanh thu du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 9.000 tỷ đồng; khách tham quan du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 18 triệu lượt...
Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên; doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng; khách tham quan du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 37 triệu lượt.
Du khách tham quan khu vực đỉnh núi Bà Đen
Sau đợt dịch Covid-19 phức tạp kéo dài trong 2 năm 2020, 2021, chỉ trong 9 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Tây Ninh đã thu hút hơn 800.000 lượt khách tham quan, trở thành địa phương đứng đầu trên cả nước về phục hồi các hoạt động du lịch. Tính chung kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022, khách lưu trú đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 48,5% so cùng kỳ, đạt 51,9% so kế hoạch; khách lữ hành đạt 11.500 lượt, tăng 1.269% so cùng kỳ, đạt 41,1% so kế hoạch; khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 3.329.647 lượt, tăng 124% so cùng kỳ, tăng 7,4% so kế hoạch; tổng doanh thu du lịch đạt 880 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ, đạt 64,5% so kế hoạch.
Đột phá cách nào?
Với kết quả hoạt động khá tốt nhiều năm liền, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về phát triển du lịch nhưng để có bước đột phá, đưa Khu du lịch núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á, là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, chú trọng công tác tuyên truyền để chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về du lịch. Đáng chú ý, lãnh đạo Sở VHTT-DL tỉnh cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp lớn đóng vai trò “đầu tàu” trong các hoạt động du lịch của địa phương.
Cáp treo hiện đại lên đỉnh núi Bà Đen do Tập đoàn Sun group đầu tư, là điểm nhấn của du lịch Tây Ninh
Tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, như: cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, đường kết nối từ ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương), đường ĐT.782-ĐT.784, đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789, cầu An Hoà…
Cùng với đó, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được chú trọng nâng cấp, mới nhất là việc triển khai hệ thống wifi công cộng phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và triển khai kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập, nắm bắt, cung cấp nhu cầu thị trường để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm, hàng hóa nhằm đáp ứng phù hợp yêu cầu phát triển của các hoạt động du lịch.
Tỉnh cũng khuyến khích, đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở lưu trú du lịch hiện có theo tiêu chuẩn quốc gia, ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; khôi phục và phát triển các loại hình vui chơi giải trí dân gian lành mạnh; hình thành hệ thống các trung tâm vui chơi giải trí hỗn hợp về văn hoá, thể thao; quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn; phát triển và xây dựng thương hiệu ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đại hóa và mở rộng mô hình sản xuất, giới thiệu, trưng bày, phân phối,... một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản mang đặc trưng của tỉnh.
Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Tây Ninh trong buổi làm việc với hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2022 để xúc tiến du lịch
Theo ông Trương Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, tỉnh đang tìm hướng đa dạng hóa thị trường khách du lịch với việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, xu hướng du lịch trong tương lai phục vụ việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động phát triển loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng với việc đầu tư xây dựng Khu thương mại, dịch vụ ven chân núi phía Nam; đưa vào sử dụng Khu tham quan chuyên đề, lưu trú, thương mại, dịch vụ du lịch trên đỉnh núi, khinh khí cầu, dù lượn, leo núi mạo hiểm, đưa vào sử dụng khu công viên chuyên đề dọc tuyến đường bộ lên đỉnh núi Bà Đen.
Bên cạnh đó, các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử cùng với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông sẽ tạo bước đột phá trong các hoạt động du lịch của tỉnh Tây Ninh.