Đây là cột mốc quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) vào tỉnh Tây Ninh.
Tổ hợp NNCNC trong chăn nuôi
Liên thông, minh bạch, đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt của một chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, tuần hoàn là mô hình hầu hết các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đang theo đuổi, đặc biệt là các doanh nghiệp theo đuổi mô hình NNCNC. Mô hình sản xuất xanh sẽ mang tới sự ổn định trong chăn nuôi và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi ích cho mỗi đơn vị tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người tiêu dùng tiếp cận với nguồn thực phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt. Do đó, việc Tập đoàn Hùng Nhơn chọn hợp tác, liên doanh với Tập đoàn De Heus hình thành các tổ hợp NNCNC trong chăn nuôi (DHN) tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nông nghiệp như Đắk Lắk, Tây Ninh sẽ giúp tận dụng được lợi thế về công nghệ, nguồn vốn, quản trị tiên tiến.
Cùng với đó, Tập đoàn Hùng Nhơn cũng có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm, thuốc thú y đạt chuẩn Halal vào thị trường có nhiều tín đồ Hồi giáo như Indonesia được xem là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển của tập đoàn này. Bởi chuẩn Halal là tiêu chuẩn nghiêm ngặt của đạo Hồi, từ khâu nguyên liệu đến chế biến, vận chuyển.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, chuỗi liên kết Hùng Nhơn - De Heus gồm có 2 “đầu tàu” là De Heus và Hùng Nhơn, cùng với các công ty con sẽ tạo thành mô hình tuần hoàn khép kín theo kiểu “từ trang trại tới bàn ăn”. Trong chuỗi liên kết này, De Heus là tập đoàn quốc tế tiên phong trong lĩnh vực dinh dưỡng động vật, sản xuất và chăn nuôi bền vững; Hùng Nhơn là tập đoàn nông nghiệp với thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến; DHN là chuỗi tổ hợp NNCNC với hệ thống trang trại đạt tiêu chuẩn châu Âu; Belga là nhà sản xuất gà con theo hướng thịt, trứng một ngày tuổi và trứng ấp chất lượng cao; Green Chicken chuyên về giết mổ, chế biến xuất khẩu đạt chuẩn Halal; Visakan là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc thú y, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học.
Trong xu hướng hiện nay, chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp “từ trang trại đến bàn ăn” đang là giải pháp làm thay đổi những mô hình sản xuất manh mún, đứt gãy trong chuỗi giá trị và rời rạc trên thị trường sản phẩm nông nghiệp. Xu hướng của mô hình này đòi hỏi sự đồng bộ từ khâu con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm.
Hướng tới xuất khẩu
Trong định hướng quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành ngày 4-5-2024 có nêu: phát triển NNCNC sinh thái và hữu cơ, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở khu vực Tây Bắc và phía Bắc vùng bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương; tập trung vào các sản phẩm cây công nghiệp lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu… Đặc biệt là phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với các sản phẩm chủ lực là chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổng Giám đốc châu Á của Tập đoàn De Heus, cho rằng, Tây Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dễ dàng kết nối với thị trường Campuchia. Vai trò này sẽ còn gia tăng mạnh hơn trong thời gian tới khi tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tây Ninh có nguồn tài nguyên đất dồi dào, nên sẽ là mảnh đất hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án cây trồng giá trị cao, chăn nuôi quy mô lớn, nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại. Đồng thời, với sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn nhiều kinh nghiệm đến từ châu Âu, sự liên kết của doanh nghiệp trong nước, Tây Ninh có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu.
Sau thành công trên lĩnh vực du lịch với việc mời gọi Tập đoàn Sun Group đầu tư lớn vào khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, việc hình thành tổ hợp DHN chăn nuôi ứng dụng NNCNC cho thấy tỉnh Tây Ninh đang đi đúng hướng trong xác định các lĩnh vực then chốt, làm đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: “Ngành nông nghiệp Tây Ninh đang tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, để người nông dân có thể sống và làm giàu từ nông nghiệp. Tỉnh đang hình thành 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo hướng liên kết chuỗi giá trị gồm: 13 vùng trồng trọt, 5 vùng chăn nuôi, 2 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích hơn 11.000ha”.
Giai đoạn 1 của dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh gồm các hạng mục lớn như xây dựng trang trại sản xuất gà giống; trang trại sản xuất lợn giống; trang trại nuôi gà thịt xuất khẩu. DHN sẽ xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ đầu vào đến đầu ra, có quy mô hơn 39,5ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án thành phần của chuỗi tổ hợp NNCNC với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỷ đồng.