Tây Ninh kỳ vọng các dự án giao thông kết nối sắp triển khai trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dành 20% ngân sách phát triển giao thông
Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 8.282km, trong đó đường bộ do Trung ương quản lý có 3 tuyến quốc lộ (QL) đi qua với tổng chiều dài 154km, chiếm tỷ trọng 1,86%. Trong đó, tuyến Xuyên Á (QL22) từ ngã tư An Sương đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài dài 59km, đoạn qua Tây Ninh dài 28km với quy mô đường cấp II, rộng từ 16-18m, quy mô tối thiểu 4-6 làn xe; QL22B kéo dài từ Gò Dầu đến Cửa khẩu quốc tế Xa Mát dài 104km và đường Hồ Chí Minh kết nối Tây Ninh với các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL, đoạn qua tỉnh dài 21,7km chưa được đầu tư hoàn chỉnh và hiện chưa khai thác.
Đường bộ do tỉnh quản lý có 8.128km (chiếm 98,14%) gồm đường tỉnh dài 740km, đường trục chính đô thị 376km và đường giao thông nông thôn 7.012km. Theo Sở GTVT Tây Ninh, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư 38 dự án giao thông tổng vốn 5.116 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách tỉnh là 3.517 tỷ đồng với 28 dự án.
Đến nay, một loạt dự án đường tỉnh được nghiệm thu đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư như ĐT 788, ĐT 794 (giai đoạn 1), ĐT 781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ đến ranh giới tỉnh Bình Dương và hoàn chỉnh đầu tư 6 cây cầu kết nối hai bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Đồng thời, nhiều dự án trọng điểm khác trong giai đoạn thi công như cầu An Hòa (kết nối với 3 xã cánh Tây của thị xã Trảng Bàng), đường ĐT 793 từ ngã tư Tân Bình đi Cửa khẩu Chàng Riệc, đường 782-784, đường Đất Sét - Bến Củi kết nối ĐT 744 (tỉnh Bình Dương)… tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và giao thương của doanh nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tổng kết giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã dành trên 20% tổng thu ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Chú trọng đầu tư kết nối vùng
Nhận thức được tầm quan trọng của giao thông kết nối vùng, Tây Ninh đã quan tâm thực hiện nhiều dự án giao thông kết nối với TPHCM và các tỉnh lân cận. Có thể kể đến Hương lộ 10 từ chợ cũ Trảng Bàng kết nối với Củ Chi (do TPHCM hỗ trợ 100% vốn, mức đầu tư 80 tỷ đồng), phối hợp với Bình Phước đầu tư đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 trên đường ĐT 794 kết nối 2 tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã thống nhất với Long An bổ sung vào quy hoạch, nâng cấp mở rộng các tuyến giao thông kết nối 2 tỉnh như đường ĐT 838C, ĐT 821.
Ngày 31-5, HĐND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua 2 Nghị quyết về đầu tư hạ tầng giao thông từ nguồn vốn trung hạn gồm Điều chỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, trong đó vốn ngân sách Trung ương bố trí 1.200 tỷ đồng và phần vốn cân đối từ ngân sách tỉnh, Nghị quyết đồng thuận thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Theo đó, đề xuất Bộ GTVT giao UBND TPHCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư ngày 18-6-2020.
Đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài có điểm đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TPHCM) song song với QL22 hiện hữu và điểm cuối kết nối vào QL22; theo quy hoạch, đoạn từ huyện Củ Chi đến ĐT 787B (Trảng Bàng) là 8 làn xe, đoạn còn lại đến cửa khẩu Mộc Bài là 6 làn xe.
Dự án chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện đầu tư toàn tuyến, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 89km/giờ, mức đầu tư 15.900 tỷ đồng. Đây là dự án có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đối ngoại quốc gia và kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, việc xây dựng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Tây Ninh, TPHCM mà còn tạo động lực, liên kết cho toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng thúc đẩy kinh tế đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Chính vì thế, Tây Ninh luôn kỳ vọng dự án sớm được triển khai đầu tư.
Cùng với dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Tây Ninh cũng nghiên cứu tiền khả thi tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1) đến TP Tây Ninh; đề xuất Trung ương đầu tư cải tạo, mở rộng QL22B và đường Xuyên Á. Ngoài ra, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy sông Sài Gòn đảm bảo cho tàu 2.000 tấn lưu thông, bổ sung các công trình cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông và đầu tư xây dựng khu phức hợp cảng tổng hợp, cảng cạn ICD, trung tâm Logistic Hưng Thuận tại thị xã Trảng Bàng. |