Tây Ninh phát triển điện mặt trời

Với lợi thế có sẵn về điều kiện tự nhiên khi có khí hậu cận nhiệt đới, thời gian nắng trong năm dài, ước trung bình giờ nắng đạt 2.220 - 2.500 giờ/năm (cao hơn 20% so với các tỉnh, thành khác), Tây Ninh đang phát triển mạnh các dự án điện mặt trời (ĐMT) góp phần đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân và hòa lưới điện quốc gia.
Nâng cấp hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà từ 3,3kWp lên 6,6kWp ở hộ ông Lưu Xuân Minh (ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP Tây Ninh)
Nâng cấp hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà từ 3,3kWp lên 6,6kWp ở hộ ông Lưu Xuân Minh (ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, TP Tây Ninh)

Nhiều dự án ĐMT hòa lưới điện

Năm 2017, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam đã tạo ra cú hích hấp dẫn các nhà đầu tư, trong đó có Tây Ninh. Tính đến hết tháng 6-2019, tỉnh đã cấp giấy phép đầu tư cho 10 dự án sản xuất điện năng lượng mặt trời với tổng công suất dự kiến đạt khoảng 808MWp, tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng.

Hiện đã có 9 dự án hoàn thành việc xây dựng, một số dự án đã đưa vào khai thác thương mại. Với số lượng và quy mô của các công trình ĐMT có mặt tại địa phương, Tây Ninh đang là một trong những tỉnh đi đầu về đầu tư năng lượng tái tạo. Có thể kể ra một số dự án như: Nhà máy TTC1 công suất 48MW, TTC2 công suất 50MW; Hoàng Thái Gia công suất 50MW, HCG công suất 50MW; Bách khoa Á Châu 1 công suất 30MW; Trí Việt 1 công suất 30MW và Tân Châu 1 công suất 50MW.

Đặc biệt, hệ thống 3 nhà máy ĐMT ở khu vực hồ Dầu Tiếng (trải dài trên diện tích khoảng 700ha) đã được bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, gồm: Dầu Tiếng 1 công suất 150MW, Dầu Tiếng 2 công suất 200MW và Dầu Tiếng 3 công suất 150MW. Đây cũng là dự án ĐMT đầu tiên đấu nối lên lưới điện quốc gia 150MW để khai thác thương mại. 

Theo tính toán của Công ty Điện lực Tây Ninh, các dự án này đáp ứng được khoảng 33% nhu cầu phụ tải của địa phương, góp phần ổn định nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt có nhiều hạn chế và không bền vững, nhất là ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người, thì việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng mới, trong đó có ĐMT, là nhu cầu tất yếu cho tương lai.

Người dân háo hức

Không chỉ thu hút được các doanh nghiệp, chủ trương phát triển ĐMT của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Tây Ninh còn lan tỏa đến nhiều hộ gia đình do chi phí khá hợp lý, thi công nhanh và chỉ cần đầu tư một vài tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà đã đủ điện dùng cho sinh hoạt gia đình; đồng thời bán cho lưới điện quốc gia, mang lại nguồn thu mới cho người dân.

Khá nhiều hộ gia đình rất háo hức tìm hiểu về đầu tư lắp đặt ĐMT ngay tại nhà mình, trong đó có nhiều người đã đầu tư thực tế, có nguồn thu đều đặn từ nhiều tháng qua. Đơn cử như gia đình ông Trần Thanh Tân (ngụ huyện Trảng Bàng) lắp ĐMT công suất 3kWp từ tháng 3-2019, tổng sản lượng điện phát ra đến hết tháng 6-2019 là 694kWh, trung bình phát lên lưới điện mỗi tháng 200kWp và được lợi 426.800 đồng/tháng.

Theo tính toán của Công ty Điện lực Tây Ninh, 1kWp pin năng lượng mặt trời có giá đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng, trung bình mỗi ngày phát ra 4,5kWp đến 6,5kWp; với giá bán điện dư hiện tại là hơn 2.000 đồng/kWh thì thời gian thu hồi vốn trong khoảng 7 năm; trong khi đó điện sinh hoạt gia đình đã được đảm bảo. 

Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 406 khách hàng là các hộ gia đình lắp đặt ĐMT với tổng công suất lắp đặt là 10.544kWp, đạt 157,5% so với kế hoạch năm 2019. Ngoài ra, Công ty Điện lực Tây Ninh cũng đã lắp đặt và đóng điện vận hành 8 công trình trên các tòa nhà điện lực, các trạm biến áp 110kV với tổng công suất 386,1kWp, nâng tổng công suất điện năng lượng mặt trời áp mái lên 10.544kWp, đạt 157,7% so với kế hoạch năm 2019. Để nhân rộng mô hình này, tỉnh Tây Ninh đã đào tạo khoảng 900 nhân viên ngành điện để thực hiện tư vấn, tuyên truyền cho người dân có nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái. 

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh, cho biết năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tự nhiên sạch, vô tận, ít ảnh hưởng đến môi trường, nhất là không thải ra khí CO2. Việc lắp đặt thiết bị này giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, vì nếu chọn công suất phù hợp thì có thể đáp ứng được trên 70% nhu cầu sử dụng điện hàng tháng của gia đình; thậm chí bán phần điện dư cho ngành điện thông qua hệ thống nối lưới, giúp người dân trong tỉnh có điều kiện cải thiện thu nhập.

Tin cùng chuyên mục