Tạo thói quen mua sắm hiện đại
Trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Tây Ninh đã ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư; tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và tăng trưởng ngành thương mại nói riêng; làm căn cứ pháp lý để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, kể cả nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO.
Từ quy hoạch này cùng với chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành dịch vụ thương mại, tỉnh Tây Ninh đã từng bước tạo được một chuỗi ST hiện đại, quy mô. Giai đoạn 2011-2015, trên địa bàn tỉnh có 3 trung tâm thương mại gồm: Trung tâm thương mại Hiệp Thành (hạng I); Trung tâm thương mại dịch vụ quốc tế Phi Long thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Trung tâm thương mại Long Hoa (hạng III); ngoài ra còn có 8 siêu thị trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với chức năng bán lẻ là chính, tỷ trọng bán buôn chưa đáng kể.
Từ khi có sự xuất hiện của hệ thống ST của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op, năm 2011) với mô hình hiện đại, đến nay đã hình thành mạng lưới rộng khắp ở 100% huyện, thị xã, thành phố. Hiện, TP Tây Ninh có hàng chục ST của nhiều doanh nghiệp khác nhau, giúp cho việc cung ứng, mua bán sản phẩm hàng hóa dễ dàng, giá cả phù hợp, tiện lợi giúp tỉnh đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt khoảng 21%/năm giai đoạn 2010-2015 và 20%/năm giai đoạn 2016-2020.
Hệ thống ST cũng góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh từ mua bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc sang lựa chọn các sản phẩm có nơi sản xuất, niêm yết giá công khai và điều kiện bảo quản phù hợp. Đặc biệt, hệ thống ST phủ kín trên toàn tỉnh Tây Ninh với nhiều hình thức thanh toán cũng đã giúp người dân làm quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ hậu mãi đa dạng...
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản
Tỉnh Tây Ninh có thế mạnh về sản xuất sản phẩm nông nghiệp nhưng trước đây việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm vẫn là khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Hiện tại, với việc phủ kín ST ở 100% huyện, thị, thành phố với hàng trăm địa điểm trên toàn tỉnh, Tây Ninh đang từng bước phát triển các mô hình liên kết đa dạng trong sản xuất - tiêu thụ trên cơ sở mô hình cánh đồng lớn, canh tác tập trung. UBND tỉnh đã phê duyệt 5 dự án vùng cây ăn trái nhằm hỗ trợ chi phí mua giống cây trồng cho các nông dân tham gia liên kết với nguồn tài chính hỗ trợ trong giai đoạn 2019-2025, dự kiến hơn 100 tỷ đồng.
Hiện, nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Tây Ninh như mãng cầu, bắp, các loại rau củ... đã xuất hiện nhiều trên các kệ hàng trong chuỗi ST thuộc Saigon Co.op Tây Ninh. Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, đối với cơ sở và người sản xuất, khi tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ngành nông nghiệp sẽ hỗ trợ ký kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa các đối tác tham gia; đào tạo, tập huấn về kiến thức quản lý chuỗi, kiến thức an toàn thực phẩm cho cơ sở tham gia chuỗi; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xây dựng chuỗi cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn; tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất tìm đầu ra.
Trong 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt 43.929 tỷ đồng, giảm 5,01% so cùng kỳ nhưng riêng tháng 9-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3,7 tỷ đồng, tăng 48,15%.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Công thương Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 ST và 70 cửa hàng Bách hóa Xanh, trong đó, cửa hàng bách hóa tập trung nhiều ở 93 xã. Trên cơ sở hệ thống ST, cửa hàng tiện lợi hiện có, tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ hàng hóa của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là định hướng người dân sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP… để đưa sản phẩm nông nghiệp vào ST nhiều hơn.