Tây Ninh đã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng cách tập trung vào những tiêu chí mang tính đòn bẩy, đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh. Với sự đầu tư căn cơ, bài bản, khoa học, đặc biệt sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân đã đưa bộ mặt vùng nông thôn Tây Ninh khởi sắc, trở thành tỉnh có ngành nông nghiệp phát triển khá của cả nước.
Vùng quê khởi sắc
Là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TPHCM và thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia). Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Tây Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh.
Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở thị xã Trảng Bàng. Ảnh: VĂN PHONG Xã Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) là xã vùng biên, được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập địa giới hành chính và dân số hai xã Phước Lưu, Bình Thạnh vào đầu năm 2020. Ông Bùi Văn Riêng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước Bình cho biết, ngay sau khi được thành lập, thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM, địa phương nhanh chóng đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai phù hợp. Đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM mới đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo nền tảng thực hiện đổi mới, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá trong phục vụ đời sống, phát triển sản xuất ở địa phương, năm 2021, xã bắt tay vào làm 27 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 18km. Cũng trong năm này, xã vận động người dân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, hoàn thiện nhiều công trình như: Mở mới hai tuyến đường, lắp đặt ba tuyến đèn chiếu sáng đường quê, xây mới và sửa chữa ba cây cầu. Hiện xã đã thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp giúp người dân liên kết, phát triển sản xuất lúa, dứa (thơm), rau màu, nâng cao giá trị nông sản, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm và toàn xã không còn hộ nghèo.
Thu hoạch chuối ở Tây Ninh. Ảnh: ĐẠI DƯƠNG Tương tự, xã Tân Lập (huyện Tân Biên) là vùng an toàn khu trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Phát huy truyền thống hào hùng của địa phương, năm 2010, khi Tân Lập được huyện chọn là xã điểm xây dựng NTM, xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, tập trung thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ một vùng quê nghèo, sau 5 năm triển khai với tinh thần và quyết tâm cao, năm 2015, Tân Lập được công nhận đạt chuẩn NTM và ngay sau đó tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn được hoàn thiện ở mức cao hơn trên cơ sở huy động các nguồn hỗ trợ và đóng góp của người dân. Đến nay, các tuyến giao thông tiếp tục được đầu tư xây dựng; toàn bộ các tuyến đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ xóm đều được bê tông hóa; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65 triệu đồng/người/ năm.
Phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2030
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, để đạt mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã xác định rõ thuận lợi và khó khăn của từng địa phương. Năm 2010, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và cho đến nay, Tây Ninh luôn nhất quán quan điểm sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt của đoàn thể, cuộc họp ban công tác mặt trận ở cơ sở, các cuộc tiếp xúc cử tri, phát huy cao nhất vai trò của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM.
Người dân huyện Dương Minh Châu đang có thu nhập ổn định nhờ trồng lúa ST 25. Ảnh: BÙI LIÊM Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, riêng giai đoạn 2010-2020, các sở ngành, doanh nghiệp và người dân đã tham gia đầu tư xây dựng hơn 2.200km đường giao thông nông thôn. Vận động người dân hiến hơn 122.000m2 đất và đóng góp trên 110.000 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình điện và gắn hơn 8.000 bóng đèn thắp sáng đường làng, cải tạo, nâng cấp nhiều chợ nông thôn; 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Bước vào giai đoạn mới, năm 2021-2025, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn nông thôn mới của giai đoạn này.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 50% số đơn vị cấp huyện được công nhận NTM nâng cao. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường; không còn hộ nghèo, trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
BÙI LIÊM