Tây Ninh: Nâng cao năng suất, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu khoai mì

Ngày 27-6, tại Tây Ninh, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Phát triển bền vững ngành hàng sắn (khoai mì) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, lãnh đạo một số cục, vụ, viện và các trung tâm thuộc Bộ NN-PTNT. Về phía tỉnh Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh và lãnh đạo sở NN-PTNT của 24 tỉnh có diện tích trồng mì lớn trên cả nước, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, chế biến khoai mì.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, khoai mì là một trong số các loại cây trồng chủ lực quốc gia. Vai trò của cây khoai mì đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Bộ Công thương đã đưa khoai mì vào danh sách 10 cây trồng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo. Tinh bột mì, mì lát đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, hiện là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD. Diện tích trồng mì của cả nước dao động từ 520-550 ngàn ha, năng suất đạt 19-20 tấn/ha, sản lượng trên 10 triệu tấn củ tươi/vụ. Cả nước hiện có trên 40 tỉnh trồng nhiều khoai mì.

z5576192060603_bd1ccef1b82a7fd9461f4e8b1a811cb5 (1).jpg
Khoai mì ở Tây Ninh

Theo Bộ NN-PTNT, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và vị thế của cây khoai mì trong nền kinh tế Việt Nam, ngày 17-4-2024, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đáng chú ý trong đề án này, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2030 sản lượng khoai mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn, trong đó chú trọng phát triển chế biến khoai mì, sản lượng dùng để chế biến sâu các sản phẩm như tinh bột mì, etanol, bột ngọt chiếm khoảng 85%, diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%,diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ khoai mì đạt 1,8-2 tỷ USD.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, quan điểm của đề án là tập trung vào cải thiện năng suất, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cây khoai mì, mở rộng thị trường xuất khẩu và tổ chức sản xuất bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên một số vấn đề còn tồn tại như: phát triển cây khoai mì còn thiếu bền vững, liên kết giữa nông dân với nhà máy chế biến còn yếu, bệnh khảm lá bùng phát diện rộng, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột mì.

Hội nghị đã đề ra một số giải pháp sau: quy hoạch vùng nguyên liệu khoai mì ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững nhất là vùng đất nghèo, đất dốc; làm tốt công tác phòng, chống sinh vật gây hại trên cây mì, đặc biệt là bệnh khảm lá thông qua các biện pháp trồng giống kháng, giống sạch bệnh; mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu và các sản phẩm từ khoai mì; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ chế biến tuần hoàn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục