Trồng mãng cầu theo hướng hữu cơ.
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Trung ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu có hơn 100ha trồng cây mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra HTX còn liên kết sản xuất và bao tiêu thu mua sản phẩm với 130 hộ trồng mãng cầu tại các xã Tân Hưng, Tân Phú, Tân Hội (huyện Tân Châu) và các huyện khác của tỉnh Tây Ninh, với tổng diện tích lên đến 600ha và cho thu hoạch hàng ngàn tấn/năm. Toàn bộ diện tích mãng cầu của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, được bao trái để ngăn ngừa côn trùng.
Anh Trần Minh Quốc, ở xã Tân Hưng (Tân Châu) cho hay từ khi tham gia vào HTX trồng mãng cầu, anh được hướng dẫn kỹ thuật từ việc bao trái để hạn chế sâu bệnh, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã hạn chế phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, giúp giảm chi phí sản xuất và sản phẩm trái mãng cầu bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX cho biết thêm, hiện nay ngoài 100ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn chuyển hơn 30ha mãng cầu trồng theo hướng hữu cơ, với quy trình sử dụng chủ yếu các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đồng thời áp dụng các giải pháp sinh học trong phòng trị một số loài côn trùng gây hại như rệp sáp, bọ trĩ bằng các giải pháp sinh học.
Cụ thể, HTX thu mua những phế phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như phân bò, cá tạp đánh bắt từ hồ Dầu Tiếng, mật rỉ đường từ nhà máy mía đường…Các loại phế phẩm này được ủ bằng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) để sản xuất phân hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, mật rỉ đường được chế biến thành phân bón lá, đạm cá tạo thành phân bón gốc, đồng thời khi sử dụng thêm các loại thảo dược như gừng, sả, ớt... sẽ tạo ra chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu hại.
HTX đã hướng dẫn cho các thành viên thành thạo cách ủ phế phẩm nông nghiệp bằng IMO để tạo phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học, nhờ đó nhà nông tự tin khi áp dụng trồng và chăm sóc mãng cầu theo hướng hữu cơ.
Tiếp nối thành công đó, từ 3 tháng nay HTX Minh Trung đã chuyển 2ha mãng cầu sang canh tác hoàn toàn thuần hữu cơ, không sử dụng bất cứ một loại phân, thuốc hóa học nào. Anh Trung chia sẻ, trồng mãng cầu thuần hữu cơ là rất khó vì các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện có vẫn chưa phòng trị hiệu quả 2 loại côn trùng là rệp sáp và bọ trĩ gây hại. Vì vậy, HTX này mới làm thí điểm 2ha hoàn toàn hữu cơ. Do vẫn bị sâu bệnh gây hại ở mức độ nhất định, trái mãng cầu hữu cơ của HTX Minh Trung nhìn không được đẹp mắt như ở những vườn sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng chất lượng và năng suất vẫn bảo đảm.
Ngày 26-10 vừa qua, Hội quán mãng cầu Tây Ninh do HTX Minh Trung thành lập đã tổ chức buổi sinh hoạt cho các hộ dân trồng mãng cầu nắm bắt kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu theo hướng hữu cơ và chuẩn hữu cơ. Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh, trưởng bộ môn bảo vệ thực vật- Viện Cây ăn quả miền Nam trình bày phương pháp quản lý bọ trĩ và rệp sáp trên cây mãng cầu bằng các giải pháp sinh học. Tại buổi sinh hoạt này, HTX Minh Trung và Viện Cây ăn quả miền Nam cũng ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác về dự án Trang trại mãng cầu ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường liên kết giữa nông dân và thương lái
Mãng cầu vào mùa thu hoạch thì tình trạng trộm mãng cầu lại rộ lên. Theo nhiều nông dân, người trộm mãng cầu thường đi theo nhóm nhiều người. Thậm chí có nơi còn bắt gặp họ dùng xe ô tô chở nhau đi trộm. Do có nhiều người và mỗi người chỉ hái một giỏ mãng cầu vài chục kg nên khi chủ vườn rình bắt được cũng chỉ phạt hành chính. Tuy vậy thiệt hại do trộm gây ra là không nhỏ vì họ hái trộm nhiều lần trong đêm nên tuy mỗi lần vài chục kg nhưng trộm nhiều lần thì lên đến cả trăm kg.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng (Tân Châu) bức xúc nói: Nạn trộm mãng cầu có từ khá lâu rồi và năm nào đến lúc thu hoạch cũng bị hái trộm. Chị Hoài cho hay gia đình chị vừa bắt được một người hái trộm mãng cầu với tang vật là 70kg trái mãng cầu.
"Gia đình tôi chỉ sinh sống nhờ vào nghề trồng mãng cầu, mà mình trồng xong họ hái như vậy còn đâu thu nhập nên nếu tình trạng này không chấm dứt thì người trồng mãng cầu sẽ luôn khó khăn”, chị Hoài tâm sự.
Giám đốc HTX Minh Trung nêu ý kiến để khắc phục tình trạng trộm mãng cầu, người nông dân cần liên kết với các chủ vựa, tiểu thương thu mua trong khu vực để kịp thời thông báo cho nhau khi phát hiện trường hợp các đối tượng trộm mãng cầu mang ra bán trái mãng cầu từ các vụ trộm tại vườn. Anh Trung cũng mong các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra vào ban đêm để phối hợp với các chủ vườn phòng chống trộm cắp mãng cầu.
Được biết, hiện nay Tây Ninh đã cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho nhiều loại cây ăn trái để truy xuất nguồn gốc, trong đó có mãng cầu. Theo một số nhà nông, ngoài việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói thì cần cấp thêm mã số phụ cho các vườn trồng để hạn chế việc mua bán trái mãng cầu trộm cắp. Nếu người bán mãng cầu mà không có mã số được cơ quan chức năng cấp thì các chủ vựa thu mua sẽ báo với cơ quan chức năng, từ đó sẽ hạn chế nạn trộm cắp mãng cầu. Tăng cường quản lý bằng mã số vùng trồng, mã số nhà sản xuất sẽ góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho trái mãng cầu nói riêng và mặt hàng nông sản trong xu thế hiện nay.
Tây Ninh có khoảng 5.600ha trồng mãng cầu ta, được xem là sản phẩm đặc trưng của Tây Ninh và là tỉnh có diện tích trồng mãng cầu ta lớn nhất nước, hiện có trên 5.100ha mãng cầu cho thu hoạch với sản lượng đạt hơn 75.000 tấn/năm.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với nhà nông hiện nay là cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, để không chỉ có “Quả na vàng” mà trong tương lai còn có thể triển khai chương trình “Vườn na vàng”, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng cho sản phẩm mãng cầu Tây Ninh.