Tham dự hội thảo có ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch hiệp hội du lịch Việt Nam; đại diện ngành du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp; lãnh đạo ngành du lịch các địa phương Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương… Đặc biệt là có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến du lịch Tây Ninh trong và ngoài nước cùng tham dự.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo
Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, tâm linh với nhiều địa danh nổi tiếng như núi Bà Đen, thánh thất Cao Đài, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát, hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Ma Thiên Lãnh được ví như Đà Lạt của vùng Đông Nam bộ…
Trong giai đoạn 2012 - 2016, tỉnh Tây Ninh thu hút gần 4,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng hơn 7.000 lượt, khách lưu trú đạt hơn 35%; tốc độc tăng trưởng lượng khách trong 5 năm đạt hơn 5,1 %. Doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh năm 2016 đạt hơn 770 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 1,3% trong cơ cấu tổng sản phẩm của địa phương (GRDP).
Với kết quả đạt được của ngành du lịch Tây Ninh như trên, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Trường đào tạo chính sách công và quản lý đại học Fulright Việt Nam) cho rằng: So với tiềm năng hiện có của tỉnh thì kết quả trên gần như là chưa có gì và đề nghị lãnh đạo tỉnh cần mạnh dạn đặt mục tiêu phát triển du lịch cao hơn và đóng góp và GRDP của tỉnh lớn hơn trong các năm tới. Đồng thời, đã đến lúc cần quan tâm đến việc du khách chi tiêu bao nhiêu trong 1 chuyến du lịch hơn là quan tâm đến tăng trưởng số lượng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh, để phát triển du lịch thành công và bền vững, Tây Ninh cần bảo tồn những di tích lịch sử cùng các thế mạnh từ tài nguyên thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; tạo nét đặc trưng trong du lịch nghỉ dưỡng của Tây Ninh để trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cần có kế hoạch chi tiết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có, nhất là hệ thống đường bộ xuyên Á nối liền với Campuchia; đồng thời đẩy mạnh liên kết với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ để hỗ trợ nhau cùng phát triển.