Nhiều dự án hạ tầng đang về đích
Theo báo cáo của Sở GTVT Tây Ninh, trên địa bàn có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tạo nên bộ mặt đô thị của tỉnh khang trang, hiện đại. Các dự án tiêu biểu như: nâng cấp, mở rộng đường ĐT 782, ĐT 784 từ ngã ba tuyến tránh QL 22B đến ngã tư Tân Bình, dự kiến hoàn thành quý 4-2023, đường Đất Sét - Bến Củi (dự kiến hoàn thành quý 4-2023); 2 dự án ĐT 787B và ĐT 789 thuộc dự án đường liên tuyến, đang phấn đấu về đích vào quý 4-2024. Riêng 2 dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 795 và ĐT 794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2), ngành GTVT đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình vào sử dụng vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn, cân đối nguồn lực và ưu tiên bố trí vốn thực hiện các công trình hạ tầng giao thông phục vụ kết nối vùng, lớn nhất là dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Tuyến cao tốc này đang được ngành chức năng TPHCM và Tây Ninh hoàn thành các nội dung báo cáo, nêu rõ các vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, từ đó đề xuất áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Đối với dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, hiện đã được UBND tỉnh giao đơn vị có liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Ngoài ra, nhiều công trình trọng điểm khác đang được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua như: dự án đường Trường Chinh (đoạn từ ĐT 781 đến đường 30-4); dự án đường ĐT 784C (Bàu Năng - Bàu Cốp); dự án nâng cấp, mở rộng đường kết nối với cửa khẩu quốc tế Tân Nam; ngầm hóa đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ); dự án xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam... nhằm từng bước đồng bộ mạng lưới giao thông, tháo gỡ nút thắt hạ tầng.
Sớm tháo gỡ các vướng mắc
Trong quá trình thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ các công trình như đường ĐT 782 và ĐT 784, đường Đất Sét - Bến Củi, ĐT 794 (giai đoạn 2).
Các khó khăn phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng, tình trạng lạm phát, biến động giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên liệu, nhất là giá xăng dầu, vật tư (nhựa đường, đất san lấp...) tăng mạnh và nguồn cung ứng rất hạn chế. Đặc biệt kể từ tháng 7-2023, nguồn vật liệu san lấp sẽ không đưa vào danh mục bảng công bố giá hàng tháng, là trở ngại chính trong quá trình lập dự toán dự án, công trình. Cùng đó, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, cáp viễn thông, nước sạch đang gặp nhiều khó khăn về phương án thực hiện, do việc bàn giao mặt bằng ở một số địa điểm không liên tục, dẫn đến khó đẩy nhanh tiến độ thi công ở nhiều dự án.
Với các khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp ngành chức năng và UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT Tây Ninh, tỉnh đang phối hợp với TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An thực hiện hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 đã được ký kết, trong đó tập trung hoàn thiện báo cáo, đề nghị Bộ GTVT thực hiện dự án nạo vét, cải tạo và nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Bến Củi, nâng tĩnh không cầu Bến Lức trên QL 1A; đầu tư đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối Tây Ninh - Bình Dương; đường và cầu kết nối Tây Ninh - Long An (từ đường An Thạnh - Phước Chỉ, Tây Ninh đến đường ĐT 838, Long An). Đặc biệt, đối với dư án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Tây Ninh sẽ chủ động phối hợp với TPHCM, các bộ, ngành Trung ương tổ chức thực hiện các bước lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, bồi thường giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư... sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.