Nhiều dự án đang tăng tốc
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội, phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp. Đáng chú ý là đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài; tuyến đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789, dự án Cao tốc Gò Dầu-Xa Mát - giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh… Riêng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (giai đoạn 1) vừa được Thủ tướng phê duyệt có tổng chiều dài tuyến gần 51km, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 26,3km; quy mô 6 làn xe cao tốc. Ngành chức năng đã khẩn trương triển khai thực hiện Dự án thành phần 4 - Bồi thường hỗ trợ, tái định cư cao tốc này (đoạn qua tỉnh), đồng thời tiến hành cập nhật vào các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương. Mục tiêu bồi thường, GPMB xong và bàn giao chủ đầu tư trước ngày 30-4-2025 để kịp kế hoạch dự kiến khởi công vào tháng 6-2025, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2027.

Trong khi đó, Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu-Xa Mát (giai đoạn 1, từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) là một trong những dự án trọng điểm mà Tây Ninh được Thủ tướng giao làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện UBND tỉnh đã chấp thuận giao Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn SunGroup) trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án. Đối với dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-ĐT.787B-ĐT.789 có tổng chiều dài 48,113km đang được triển khai. Dự án qua địa phận thị xã Trảng Bàng (42,113km) và huyện Dương Minh Châu 6km với tổng mức đầu tư là 3.416,23 tỷ đồng. Đối với công trình Đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, gói thầu xây lắp thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh đã khởi công cuối tháng 12-2023, đến nay thi công đạt khoảng 10% khối lượng của công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Kiến nghị hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hạ tầng
Theo báo cáo tổng kết hoạt động năm 2024, xây dựng kế hoạch hoạt động năm 2025 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ, UBND tỉnh Tây Ninh đề xuất kiến nghị nhiều nội dung quan trọng, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án, công trình trọng điểm năm 2025. Trong đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hạ tầng, cụ thể đối với tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh) bằng nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026-2030 có tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng.

Theo đó, tỉnh đã nghiên cứu kỹ và đưa ra nhiều kịch bản phương án tài chính theo phương thức đối tác công tư (PPP); tuy nhiên, các phương án đều không khả thi, cụ thể: Phương án tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 50% tổng mức đầu tư, phần còn lại do nhà đầu tư cân đối, thì thời gian hoàn vốn là hơn 23 năm. Trong khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án khoảng 70%, phần còn lại do nhà đầu tư cân đối thì thời gian hoàn vốn là dưới 20 năm. Phương án này, phải trình Chính phủ xem xét, tổng hợp trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (tương tự như Nghị quyết số 106/2023/QH15).
Cùng đó, tỉnh kiến nghị hỗ trợ nguồn vốn đầu tư trục đường bộ động lực Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ phát triển hành lang kinh tế Bình Dương – Tây Ninh: Theo Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có quy hoạch hành lang kinh tế Tây Ninh – Bình Dương, hành lang kinh tế này có quy hoạch trục giao thông đường bộ từ KCN Bàu Bàng (Bình Dương) đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), chiều dài khoảng 52km, quy mô 10 làn xe. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Tây Ninh cũng đề xuất trung ương cho chủ trương nghiên cứu thực hiện một số cơ chế chính sách áp dụng cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, tạo động lực hình thành cực tăng trưởng mới vùng Đông Nam bộ.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, năm 2024, tỉnh xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), do đó, đã yêu cầu các cấp, các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, sáng tạo, linh hoạt giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong năm kế hoạch đã đề ra. UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên liệu phục vụ dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân ngay khi khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, đặc biệt, gắn công tác giải ngân vốn đầu tư công với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.