Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh xác định việc xây dựng chính quyền điện tử là tiền đề để hướng đến chính quyền số. Để thực hiện mục tiêu này, Tây Ninh đang đẩy mạnh chuyển đối số trong giải quyết hồ sơ, thủ tục và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hiện đại hoá nền hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thành lập 484 tổ công nghệ cộng đồng
Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn Tây Ninh đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, toàn tỉnh có 19 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và 9 huyện, thị xã, TP ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%. Tỉnh đã kết nối dữ liệu hộ tịch điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp, bưu chính công ích, văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội, cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, danh mục dịch vụ công dùng chung.
TP Tây Ninh thí điểm đô thị thông minh
Tây Ninh cũng tích hợp 960/1.818 (đạt 52,8%) dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các sở ngành đang rà soát công bố lại dịch vụ công mức độ 4 đủ điều kiện tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dự kiến hoàn thành rà soát trong tháng 7-2022); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 34,37%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 17,65% và thành lập 484 Tổ công nghệ cộng đồng trên địa bàn.
Đáng chú ý,Sở TT- TT phối hợp với UBND Thị xã Hòa Thành hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi số và xây dựng Thị xã Hòa Thành trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đến nay, Sở TT- TT đang thẩm định và trình UBND tỉnh cho chủ trương triển khai thí điểm.
Nhân viên tại Trung tâm hành chính công tỉnh Tây Ninh hỗ trợ người dân xử lý hồ sơ, thủ tục
Theo Sở TT- TT tỉnh Tây Ninh, hiện nay, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh còn gặp khó khăn như một số bộ, ngành ở Trung ương chưa có hướng dẫn về các tiêu chí, chỉ tiêu quản lý ngành cần số hoá nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của một số sở, ngành còn khó khăn. Việc hướng dẫn, thống nhất cách xác định thủ tục hành chính được giải quyết hoàn toàn trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế chậm được triển khai; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số có khả năng tham mưu công tác chuyển đổi số của tỉnh còn thiếu.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Hiện nay, Chỉ số Phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Tây Ninh đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó các tỷ lệ doanh nghiệp CNTT, viễn thông (ICT), doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành khác có ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới chỉ đạt 2.79%.
Từ thực tế này, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2025, Tây Ninh có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số. Trong đó có 3 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số để phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó có 5 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Người dân đến Trung tâm hành chính công làm hồ sơ, thủ tục
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng số, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G trên địa bàn, thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu của Chính phủ, Bộ, ngành. Đồng thời, Tây Ninh triển khai, duy trì kết nối, tích hợp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đặc biệt, Tây Ninh triển khai các giải pháp sản phẩm, phần mềm chuyển đổi số trên địa bàn và các địa phương để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh phát triển, hoàn thiện các sản phẩm công nghệ số có tính cạnh tranh, có khả năng triển khai ở các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số thông qua việc tổ chức Diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước tham gia để thu hút về đầu tư, kinh doanh tại Tây Ninh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh tham gia triển khai các đề tài, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số trên địa bàn.