PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết những kết quả KT-XH nổi bật mà Tây Ninh đạt được trong năm qua?
Ông PHẠM VĂN TÂN: Trong năm 2018, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, có 19/23 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể: GRDP trên địa bàn tăng 8,09% so với kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 16,4%. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 5.114,70 triệu USD, vốn đầu tư phát triển thực hiện 27.149 tỷ đồng, bằng 37,62% GRDP và thu ngân sách nhà nước năm 2018 vượt so với dự toán, tăng khá so cùng kỳ.
Môi trường đầu tư của tỉnh vẫn ổn định, các dự án (DA) đầu tư lớn về thương mại, dịch vụ đã đi vào hoạt động như tổ hợp Trung tâm Thương mại Vincom Plaza, gồm khách sạn 5 sao VinPearl có 16 tầng; nhà phố Shophouse Vincom Tây Ninh với quy mô 2 tầng hầm, 5 tầng thương mại; Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng đầu tư, đưa vào hoạt động hệ thống 6 siêu thị tại Tây Ninh.
Đặc biệt, 2 nhà đầu tư đã khởi công xây dựng 2 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng và Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á với tổng mức đầu tư 2.108 tỷ đồng; thu hút 10 DA điện mặt trời với tổng vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng.
An sinh xã hội trong tỉnh được bảo đảm, nhất là chăm lo tốt đời sống cho người có công cách mạng, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh; trong đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia.
Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện nhóm giải pháp đột phá về KT-XH giai đoạn 2017-2021. Vậy các giải pháp này đã mang lại kết quả như thế nào?
Từ năm 2017, UBND tỉnh Tây Ninh đã thành lập 4 nhóm công tác thực hiện các giải pháp mang tính đột phá về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, phát triển hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực, với những kết quả rất cụ thể như: ngành nông nghiệp năm 2018 đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, sản xuất gắn với công nghiệp chế biến.
Tỉnh đã chuyển đổi 2.643ha từ các cây trồng kém hiệu quả (cao su, mì, mía - PV) sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao, giúp tăng giá trị sản phẩm bình quân đạt 90,3 triệu đồng/ha, tăng 1,8 triệu đồng so với năm 2017; tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đạt gần 70% so với tổng đàn.
Tây Ninh đang trở thành điểm đến, thu hút nhiều DA lớn như xúc tiến kế hoạch hợp tác phát triển nông nghiệp với tập đoàn FLC; ký kết thỏa thuận hợp tác với Saigon Co.op, đã khánh thành Nhà máy Chế biến rau củ quả xuất khẩu Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ; khánh thành Trang trại bò sữa Vinamilk tại huyện Bến Cầu quy mô 685ha; hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, tiến tới xây dựng tổ hợp nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu.
Về du lịch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2035 tại Quyết định 1099/QĐ-TTg ngày 5-9-2018; UBND tỉnh tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, du lịch, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 2 - năm 2018; xây dựng đề án du lịch thông minh, bước đầu có nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu cơ hội…
Về hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai DA đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, DA đường cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát. Tỉnh cũng chủ động xúc tiến các chương trình phối hợp phát triển hạ tầng giao thông với TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Long An.
Tỉnh cũng đã hoàn thiện, đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công; phối hợp với Công ty VNG mở rộng tính năng cho Cổng thông tin dịch vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh qua mạng xã hội Zalo nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin thủ tục hành chính và phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh sẽ làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đến với địa phương?
Thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTTN) năm 2018 được 806,42 triệu USD, đạt 75,43% kế hoạch; thu hút đầu tư trong nước được 14.017,97 tỷ đồng, đạt 90,43%. Tuy vậy, đáng chú ý là tỉnh thu hút được 2 DA ĐTNN có vốn đầu tư lớn, gồm DA sản xuất sợi tổng hợp (155 triệu USD), sản xuất da (59 triệu USD) và công nghiệp chế biến chiếm 92,05% tổng vốn đăng ký mới.
Nhìn chung, công tác xúc tiến đầu tư đạt kết quả chưa như mong muốn do nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao còn nhiều hạn chế và một phần tỉnh chủ trương không thu hút DA đầu tư bằng mọi giá.
Về giải pháp thực hiện: Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chú trọng chất lượng hơn số lượng; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nhu cầu về mặt bằng sản xuất thuê đất; phục vụ sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phù hợp quy hoạch, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Trong năm 2019, tỉnh sẽ tập trung vào việc gì để phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành một trung tâm nông nghiệp hàng đầu của khu vực Đông Nam bộ và cả nước?
Năm 2019, tỉnh tập trung định hướng phát triển các vùng chuyên canh theo chuỗi giá trị tạo ra giá trị hàng hóa phục vụ xuất khẩu; trong đó quyết liệt trong sắp xếp các công ty nông nghiệp để tạo quỹ đất nông nghiệp tập trung, kêu gọi đầu tư thực hiện các DA phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, phát triển các sản phẩm có giá trị cao liên kết theo chuỗi.
Cơ cấu lại sản xuất theo lĩnh vực và sản phẩm như: nhóm khuyến khích (cây rau củ quả, cây ăn quả, heo thịt, gà thịt, bò sữa); nhóm duy trì (khoai mì, mãng cầu, bò thịt); nhóm giảm diện tích (lúa, mía, cao su) và nhóm đặc sản (mãng cầu, bò tơ, rau rừng). Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong nông nghiệp như truy xuất nguồn gốc, điều khiển tự động, sản xuất thông minh.