Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước (hồ chứa nước: Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270,65ha/3vụ (khoảng 75% diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh).
Trước năm 2023, các khu vực chưa có hệ thống thuỷ lợi ở các xã: Long Phước, Long Khánh, Long Chữ (thuộc huyện Bến Cầu); Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh thuộc huyện Châu Thành bị chia cắt với hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, nguồn nước khó khăn, phụ thuộc vào thủy triều ven sông Vàm Cỏ Đông.
Từ năm 2023 đến nay, khi dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) hoàn thành, đã phục vụ cấp nước tưới tự chảy cho khu vực trên từ vụ Đông Xuân năm 2022-2023 với diện tích khoảng 2.037 ha/vụ, diện tích canh tác cũng tăng 2.037ha/vụ so với trước đây.
Dù có kết quả tích cực từ hệ thống thuỷ lợi mới đưa vào vận hành, nhưng ngành NN-PTNT tỉnh vẫn dự báo có thể thiếu nước tưới tại một số khu vực có địa hình cao hơn mực nước dâng bình thường của hồ Dầu Tiếng như: cánh đồng Khedol (thuộc xã Thạnh Đông, TP Tây Ninh và xã Phan, Suối Đá, huyện Dương Minh Châu); ngành NN-PTNT chủ động tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, hướng dẫn người dân có kế hoạch sản xuất linh hoạt để ứng phó với tình trạng khô hạn.