Tham dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện lãnh đạo các Bộ: Công thương, Ngoại giao, KH-ĐT, TN-MT, Bộ TT-TT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam; Ngài Mohamma Lutfor Rahman, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Bangladesh; cùng các phái đoàn ngoại giao đến từ cơ quan Tổng Lãnh sự quán, Tham tán Thương mại các nước: Australia, Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hungary, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Italia, Australia, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Lào, Myanmar, Thái Lan, Pakistan....
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo của hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM…
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn là một trong những dự án được lãnh đạo tỉnh quan tâm và ủng hộ, bởi đây là dự án áp dụng 100% công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế của Hà Lan, Đức, và Bỉ. Bên cạnh đó, dự án áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.
Điều này hoàn toàn phù hợp với Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn: "Chúng tôi luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Cụ thể tháng 6-2023, UBND tỉnh Tây Ninh, De Heus và Hùng Nhơn đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng tại huyện Tân Châu. Để thể hiện quyết tâm và sự chuyên nghiệp của mình, giai đoạn 1 của dự án được Hùng Nhơn động thổ chỉ sau 1 tháng ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Tây Ninh. Đến nay, sau hơn 10 tháng thi công và hoàn thiện, hôm nay tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 của dự án".
Nói về lý do Tập đoàn De Heus chọn Tây Ninh là địa phương trọng điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus, đánh giá Tây Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Gabor Fluit cũng chia sẻ thêm về 7 dự án trọng điểm thuộc giai đoạn 2 của dự án DHN Tây Ninh gồm: hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm. Đây là những dự án quan trọng của chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn.
Cũng tại chuỗi sự kiện, đại diện UBND tỉnh Tây Ninh, Hùng Nhơn và Công ty ORVIA Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) đầu tư phát triển sản phẩm vịt giống, vịt thịt và sản xuất phân bón hữu cơ đạt chuẩn Organic USDA/EU, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Dự án được chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2 (2027-2030) sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 80 ha, cung cấp khoảng 4 triệu sản phẩm vịt giống và 18 triệu sản phẩm vịt thịt mỗi năm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Halal và quốc tế. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ dự án này là 2.000 tỷ đồng.
Tại chương trình, Hùng Nhơn cùng với De Heus, Công ty Ngọc Bích, Công ty Thế giới của Kiến thức và Kết nối, đã ký kết về chương trình hợp tác, liên kết sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi theo tiêu chuẩn Halal.
Trong khuôn khổ chương trình, Quỹ từ thiện DHN đã phối hợp cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh trao tặng 500 triệu đồng cho các hoạt động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Bên cạnh đó, Quỹ từ thiện DHN cũng trao sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Năm và 10 hộ gia đình chính sách gặp khó khăn của huyện Tân Châu.