Sản xuất nông nghiệp phục hồi
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển ngành giai đoạn 2021-2025. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản xuất nông nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 156.873ha (99,8% so với cùng kỳ 2021), số lượng đàn vật nuôi tăng so với cùng kỳ, nhất là gia cầm tăng 22,4% (đạt 8,9 triệu con) và đàn heo tăng 10,9% (trên 219.000 con).
Riêng về lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã cấp lại giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB) cho 19 cơ sở, cấp mới giấy chứng nhận ATDB cho 6 cơ sở; lũy kế đến nay, Tây Ninh có huyện Dương Minh Châu và 68 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận ATDB. Đáng chú ý là các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất thức ăn xanh, phối trộn thức ăn theo phần mềm, cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu, sản xuất khép kín, an toàn sinh học, phù hợp với sản xuất thực phẩm an toàn theo thông lệ quốc tế; thực hiện 3 chuỗi cung ứng thịt heo an toàn với 98 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh như: chuỗi của hệ thống Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với 20 cửa hàng; chuỗi của hệ thống siêu thị Co.opmart với 8 cửa hàng; chuỗi của hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh với 70 cửa hàng.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện đã có 634 trang trại gia súc với tổng đàn 194.716 con và 102 trang trại gia cầm với tổng đàn 6,1 triệu con, 100% áp dụng công nghệ cao trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...
Đẩy mạnh chăn nuôi
Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu mạnh; nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Trước mắt, từ nay đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân 2%-2,5%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 4%/năm, đặc biệt là giúp thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh chú trọng đến lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn cùng các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học, tăng hiệu quả kinh tế, điển hình là phát triển các giống heo cao sản theo quy mô trang trại công nghiệp, gia tăng số lượng đàn heo chăn nuôi theo hướng truyền thống với các giống heo bản địa, heo lai và từng bước phát triển chăn nuôi heo hữu cơ. Đến năm 2025, tổng đàn heo duy trì thường xuyên ở quy mô 550.000 con, trong đó nuôi trang trại chiếm 85%; năm 2030, tổng đàn heo duy trì thường xuyên ở quy mô 800.000 con, trong đó heo được nuôi trang trại chiếm 90%, quy hoạch phát triển ở các vùng có lợi thế về đất đai, mật độ chăn nuôi thấp, có nhiều vùng chuyên canh cây trồng cạn như Bến Cầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành...
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, để thực hiện chiến lược trên, trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai 2 đề án: vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC huyện Tân Châu, hiện đang phối hợp ngành chức năng đưa các tập đoàn như: Công ty cổ phần Nafoods Group, Tập đoàn TH True Milk, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty TNHH Đầu tư Xúc tiến thương mại vận tải Thành Đạt, khảo sát thực địa các khu đất phù hợp trên địa bàn huyện Tân Châu để lựa chọn địa điểm đầu tư, sớm triển khai và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp cũng đã được đề ra như: quản lý giống vật nuôi, chính sách đầu tư hạ tầng, thuế, tín dụng; nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, công nghiệp hỗ trợ. Khái toán tổng kinh phí thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên 45 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 là 22,750 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.