Tây Nguyên nỗ lực giữ rừng

Trước tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện các giải pháp quyết liệt, huy động nhiều lực lượng cùng vào cuộc để cố gắng ngăn chặn từ đầu.

Triệt phá nhiều băng nhóm lâm tặc

Chúng tôi men theo lối mòn để vào tiểu khu 618, thuộc lâm phần Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) và phát hiện hàng chục cây gỗ có đường kính từ 30-60cm bị cưa hạ chỉ còn trơ phần gốc, ngọn, còn phần thân đã bị chở đi.

Tiếp tục di chuyển về tiểu khu 622 (cũng thuộc lâm phần Khu bảo tồn Ea Kar quản lý), chúng tôi lại bắt gặp cảnh tượng gỗ bị đốn hạ la liệt, hiện trường chỉ còn lại những cành nhỏ, mùn cưa, bên trên gốc, nhựa cây vẫn còn ứa.

Theo một lãnh đạo Viện KSND huyện Ea Kar, liên quan đến vụ việc trên, đơn vị đã phê chuẩn quyết định khởi tố 37 bị can trú tại huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Bước đầu xác định, từ cuối tháng 10-2020 đến tháng 11-2020, những đối tượng nói trên đã vào tiểu khu 618 và 622 cắt hạ khoảng 43m3 gỗ, chủ yếu gỗ căm xe.

Tây Nguyên nỗ lực giữ rừng ảnh 1 Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), những năm qua, đã có hàng chục lâm tặc bị khởi tố và bị bắt. Ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, cho biết, tỷ lệ phá án trong lĩnh vực lâm nghiệp ở huyện Kbang thời gian qua rất cao. Việc nhiều lâm tặc bị bắt, khởi tố đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, kiên quyết nghiêm trị những thành phần này.

Không chỉ lâm tặc bị khởi tố, mà nhân viên bảo vệ rừng để xảy ra mất rừng cũng bị khởi tố. Lê Hữu Đức, nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku, bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do để xảy ra phá rừng trên lâm phần quản lý.

Còn tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), do để xảy ra phá rừng gây thiệt hại hàng trăm mét khối gỗ, cuối năm 2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt tạm giam tổng cộng 9 lãnh đạo, nhân viên của đơn vị này, trong đó có ông Nguyễn Hồng Mạnh, nguyên Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar Phan Văn Đức, 1 phó giám đốc phụ trách công tác quản lý, bảo vệ rừng và 7 cán bộ thuộc cấp.

Cần biện pháp mạnh hơn

Không chỉ triệt khá băng nhóm lâm tặc gây án, ngành chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác bảo vệ rừng từ gốc. 

Tại huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), trước tình trạng lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên một cách công khai, tinh vi, có tổ chức với số lượng người tham gia đông và đặc biệt rất manh động, huyện đã thực hiện phương án “chống lâm tặc” trên địa bàn 14 xã, thị trấn với phương châm 4 tại chỗ, gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Theo đó, ngành chức năng sẽ lập danh sách lâm tặc, sau đó chỉ đạo các lực lượng với thành phần nòng cốt là công an theo dõi, mật phục, xử lý, tịch thu phương tiện khai thác rừng của lâm tặc.

Phương án trên bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Đơn cử trong khoảng 1 tháng (từ ngày 15-3 đến ngày 11-4), ngành chức năng đã xử lý 40 đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ rừng, đồng thời thu giữ hơn 30m2 gỗ, tịch thu 40 xe máy độ chế, 3 ô tô độ chế và 6 cưa máy.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang Trương Thanh Hà cho biết, song song với việc điều tra, truy tố đối tượng lâm tặc để tạo sự răn đe, công tác giữ rừng đang được triển khai theo hướng chủ động ngăn chặn từ đầu.

Cụ thể, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND xã tiến hành sàng lọc các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn tham gia vận chuyển gỗ trái phép rồi mời tới để răn đe, yêu cầu ký cam kết không được vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ đó, những người đã ký cam kết không còn tham gia phá rừng.

“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng công an rất tốt, thực hiện nhiều chuyên án, triệt phá nhiều băng nhóm phá rừng, đầu nậu thu gom gỗ lậu. Tôi cũng đề nghị cơ quan điều tra phải xử lý nghiêm những đối tượng này để răn đe, vì như thế mới có thể giảm được tình trạng vi phạm lâm luật”, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục