Bạn đọc Bích Thủy, 35 tuổi, Nhà Bè, TPHCM: Con tôi 3 tuổi, đã bị tay chân miệng hồi tháng 5-2024. Mấy ngày nay tôi thấy cháu có nổi mụn nước đỏ ở bàn tay, miệng không đau. Bác sĩ cho tôi hỏi là cháu đã bị tay chân miệng rồi thì có khả năng bị lại hay không? Với lại bé nhà tôi khi bị bệnh không nổi mụn nước ở chân, chỉ nổi ít ở tay và loét miệng nhiều, như vậy có phải là cháu bị nhẹ không ạ?
Ths-Bs Nguyễn Hữu Lĩnh - bác sĩ Nhi khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn:
Chào chị Bích Thủy, câu hỏi của chị được bác sĩ tư vấn như sau:
Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần hay không?
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do virus đường ruột gây ra. Bệnh đặc trưng với các tổn thương ở miệng và nổi ban da điển hình. Trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng do một chủng virus vẫn có thể bị nhiễm lại bởi một chủng virus khác.
Bé chỉ nổi mụn nước ở tay và loét miệng, có phải bệnh nhẹ không?
Theo Ths-Bs Nguyễn Hữu Lĩnh (Bác sĩ Nhi khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn), hầu hết trẻ mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ, thường tự khỏi sau 7-10 ngày với điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau với paracetamol, chăm sóc miệng và quan trọng là ăn thức ăn mềm dễ tiêu, uống nhiều nước để tránh mất nước.
Tuy vậy có một tỉ lệ rất ít trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng thể nặng với các biến chứng như viêm màng não, viêm não hay viêm cơ tim đe dọa tính mạng.
Mức độ nặng của bệnh tay chân miệng không phụ thuộc vào số lượng mụn nước ở tay chân hay loét miệng nhiều hay ít, mà chủ yếu phụ thuộc vào sức đề kháng phản ứng của trẻ và chủng virus gây bệnh (nghiên cứu cho thấy trẻ mắc bệnh do nhóm Enterovirus 71 thuộc chủng A có thể gây biến chứng nặng). Theo đó, trẻ sốt cao khó hạ, đừ hay quấy khóc bất thường, giật mình chới với, ăn uống kém hay ói nhiều, yếu chi, co giật, chân tay lạnh nổi bông cần được theo dõi sát tại bệnh viện để phát hiện sớm biến chứng và điều trị kịp thời.
Nếu con của chị hiện tại có nổi mụn nước đỏ ở bàn tay nhưng miệng không đau, chị nên đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám cụ thể vì có trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhưng chỉ có tổn thương ở da nhưng không có loét miệng.
Bạn đọc có nhu cầu tư vấn về sức khỏe, cách phòng chống bệnh, đừng ngại gửi câu hỏi về Hộp thư tư vấn Alo Bác sĩ.