Một loại taxi mới có thể đi được trên đường lẫn... dưới nước (ảnh) vừa được khai trương ngày 11-1 ở Osaka, thành phố lớn thứ hai Nhật Bản.
Theo Yasuhiro Suchi, giám đốc 60 tuổi của công ty dịch vụ có tên “Osaka Mizukaido 808” này, nếu gọi là “taxi nước” cũng chưa chính xác mà phải gọi là “taxi lưỡng hành” bởi xe đa năng này có thể chạy từ trên bộ xuống dưới nước khi cần, giúp khách khỏi phải đổi sang “taxi nước” khi muốn qua sông.
“Taxi lưỡng hành” chở được 3 người, khách còn có thể ngắm cảnh khi đi dưới nước vì trên đường phố hay kẹt xe khó nhìn thấy gì. Giá “taxi lưỡng hành” không rẻ chút nào: 19.560 yên (khoảng 175 USD) cho giờ đầu tiên và 8.700 yên (78 USD) mỗi 30 phút tiếp theo.
A.Thy (theo Japan Today)
Lướt sóng trong... hồ
Dự án hồ... lướt sóng có tên “Xtreme”, trị giá 20 triệu bảng, sẽ khởi công trong năm nay tại một bến tàu không sử dụng ở cảng Silvertown, Đông London (Anh). Từ năm 2011, hồ lướt sóng nhân tạo ngoài trời đầu tiên trên thế giới này sẽ là điểm đến mới của những người mê lướt sóng ở biển. Hồ dùng nước sông Thames lọc sạch, với máy tạo sóng đủ mạnh và an toàn cho người chơi.
Có cả một bãi biển nhân tạo với các cây cọ, lối đi lót gỗ, khu ăn nghỉ cho khách. Dự kiến, với 30 bảng/giờ, mỗi khách sẽ có ít nhất 10 lần lướt sóng, mỗi lần lướt hơn 100m với những đợt sóng cao gần 2m.
A.Thy (theo Guardian)
Venice cấm “nuôi” bồ câu
Chính quyền thành phố Venice (Italia) vừa ra quyết định cấm bán thức ăn và cấm cho bồ câu ăn tại quảng trường lớn và đẹp nhất thành phố, San Marco. Đây là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường do chất thải của chim ngày càng tăng, ảnh hưởng sức khỏe người dân và mỹ quan thành phố. Ngoài ra, quyết định này còn nhằm ngăn chim sinh sản nhanh đến mức không thể kiểm soát.
Theo các nghiên cứu khoa học, chất thải của hàng triệu chim bồ câu mỗi năm đang làm hỏng các kiến trúc cổ xây dựng cách đây hàng thế kỷ ở quảng trường San Marco, đồng thời làm tăng nguy cơ ăn mòn nền móng các công trình nghệ thuật đang bị nước biển đe dọa nhấn chìm. Nghiên cứu cũng cho biết, mỗi người dân Venice phải chi trung bình 275 euro/năm cho việc dọn dẹp chất thải và sửa chữa các hư hỏng do bồ câu gây ra.
C.H. (theo Reuters)