Những nỗ lực đã dẫn tới sự ra đời các doanh nghiệp như PowerX, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, đang nghiên cứu phương thức mới và hiệu quả hơn để vận chuyển năng lượng tái tạo trên mặt nước. PowerX mới thành lập 2 năm với mục đích sản xuất và bán pin lưu trữ dung lượng lớn; là liên doanh giữa hơn 20 công ty Nhật Bản, trong đó có Imabari Shipbuilding, Shikoku Electric Power và Công ty Thương mại Itochu cũng như nhà đầu tư cá nhân. Các bên cùng rót khoảng 70 triệu USD vào dự án chế tạo một con tàu được sử dụng vận chuyển điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, dự kiến đóng vai trò ngày càng quan trọng để Nhật Bản đạt được mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050. Để đưa điện từ các trang trại điện gió ngoài khơi vào đất liền phải dùng cáp lắp đặt dưới đáy biển. Nhật Bản hay xảy ra động đất và có đáy đại dương sâu dọc theo bờ biển nên việc lắp đặt dây cáp rất khó khăn và tốn kém.
PowerX đưa ra giải pháp là vận chuyển điện này bằng tàu biển. Con tàu dài 140m, được trang bị 96 pin lưu trữ dung lượng lớn, có thể chứa tổng công suất 240MW giờ điện. Trong thực tế, lượng điện này đủ cung cấp cho 24.000 gia đình/ngày. Thay vì dưới biển, vận chuyển điện trên mặt nước cũng là một lựa chọn khả thi giữa các khu vực đất liền bị ngăn cách bởi các vùng nước tương đối hẹp, như trường hợp của Hokkaido ở phía Bắc Nhật Bản và đảo chính Honshu ở phía Nam. Với khu vực nông thôn rộng mênh mông và phần lớn chưa phát triển, Hokkaido là nơi đặc biệt thích hợp cho việc sản xuất điện gió. PowerX ước tính đến năm 2050, hòn đảo này có thể tạo ra hơn 60GW điện tái tạo, gần tương đương với lượng điện do 60 lò phản ứng hạt nhân tạo ra.
Vấn đề là làm thế nào để vận chuyển lượng điện đó ra bên ngoài Hokkaido một cách hiệu quả. Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng cường mạng lưới điện nối vùng đất phía Bắc rộng lớn này với Honshu, nhưng việc nâng cấp sẽ mất thời gian và ước tính sẽ tiêu tốn 50 tỷ USD trong 3 thập niên tới. PowerX cho biết dự án của họ cần kinh phí ít hơn nhiều so với con số trên. Việc chuyên chở lượng lớn pin đồng nghĩa với việc con tàu sẽ không thể đi quãng đường dài trên biển, nhưng đối với những hành trình tương đối ngắn, như giữa Hokkaido và Aomori - tỉnh gần Honshu nhất, đó sẽ là một lựa chọn rất hiệu quả về chi phí. Ông Ito Masahiro, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành PowerX, cho biết: “Nếu có thể mua điện dư thừa với giá rẻ rồi lưu trữ trên tàu và vận chuyển đến cho khách hàng với chi phí thấp thì hoạt động kinh doanh này sẽ có lãi”.
Một trong những rào cản lớn nhất đối với dự án là sự an toàn. Để đạt được mục tiêu này, các bên đang nghiên cứu một hệ thống kiểm soát, bao gồm giám sát suốt ngày đêm trên bờ, để có thể nhanh chóng phát hiện các bất thường và sự cố, ví dụ như pin quá nóng hoặc rò rỉ dung dịch điện phân. Nếu giải quyết được vấn đề này và nhận được các giấy phép cần thiết, công ty dự kiến ra mắt con tàu đầu tiên vào năm 2025. Sau đó, công ty có thể bắt đầu xem xét các cơ hội bên ngoài Nhật Bản, nhất là khắp Đông Nam Á.