Tuyến Sa Kỳ- Lý Sơn và ngược lại là tuyến biển duy nhất được Bộ GTVT công bố năm 2015, chiều dài tuyến 15 hải lý (33km), luồng chạy tàu phía đầu cảng Sa Kỳ là luồng hàng hải có chiều rộng 50m, chiều dài 1.700m, luồng được thiết kế cho tàu có trọng tải 1.000MT hoạt động.
Sự phát triển của vận tải trên biển đi đảo Lý Sơn chỉ mới diễn ra sôi động trong vài năm trở lại đây, nhất là từ năm 2014, trung bình mỗi ngày có từ 400-500 lượt khách tham quan đảo Lý Sơn, đến năm 2019, cao điểm du lịch dịp lễ, tết, chủ nhật có thể lên đến 2.500-3.000 lượt khách/ngày. Du khách các tỉnh trong cả nước đổ về càng đông, nhu cầu vận tải trên biển càng phát triển và trở thành “cuộc đua” của những con tàu từ tàu gỗ, đến tàu cao tốc và giờ là tàu siêu tốc "triệu đô".
Chỉ sau 2 năm, đến năm 2019 những chiếc tàu cao tốc đã dần bị bỏ lại phía sau, thay vào đó là sự ra đời của các tàu siêu tốc của 3 hãng giúp thời gian ra đảo chỉ còn 35 phút/chuyến.
Qua thống kê, hiện có 7 chiếc tàu siêu tốc đang hoạt động tại tuyến, trong đó chiếc lớn nhất chở 280 khách/lượt, nhỏ nhất 78 khách/lượt.
Sự ra đời của các tàu siêu tốc đã khiến cho các tàu cao tốc dù mới hoạt động chỉ được 2 năm cũng phải neo tàu nằm bờ vì không có khách và rồi 7/8 tàu cao tốc đã dừng hoạt động. Nhiều tàu cao tốc mua đến hàng chục tỷ đồng cũng phải nằm bờ, thỉnh thoảng vẫn phải nổ máy vì… sợ hư.
Ông Nguyễn Văn Danh, chủ chiếc tàu cao tốc duy nhất đang hoạt động cầm chừng, chia sẻ: “Dù thời gian chạy chậm hơn khoảng 20 phút và giá vé khoảng 100.000 đồng/khách/lượt, thấp hơn từ 40-60.000 đồng/khách lượt so với tàu siêu tốc nhưng rất ít hành khách đi”.