Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới từng đưa tàu đáp xuống hành tinh này cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.
Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) xác nhận tàu đổ bộ đã hạ cánh mềm thành công xuống bề mặt Mặt Trăng. Vikram đáp xuống cùng một robot nhỏ có tên gọi là Pragyan. Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng. Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động. Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Học sinh Ấn Độ cầm áp phích ủng hộ tàu Chandrayaan-3 ở Mumbai ngày 22-8 |
Trước đó, ngày 14-7, Ấn Độ phóng tàu Chandrayaan-3 từ trung tâm không gian chính tại bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này. Tàu được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD. Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện và những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.
Năm 2019, ISRO đã phóng tàu thám hiểm Mặt Trăng Chandrayaan-2 vào không gian nhưng sau đó đã bị mất liên lạc với tàu này trước ngày hạ cánh theo kế hoạch là 7-9-2019.