Tàu con thoi hạ cánh như thế nào?

Tàu con thoi hạ cánh như thế nào?

Sau khi tàu con thoi Endeavour trở về trái đất an toàn hôm 21-8, không chỉ Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mà rất nhiều người quan tâm đã... thở phào nhẹ nhõm, bởi trước đó NASA phải cân nhắc có nên sửa chữa lỗ thủng lớp xốp cách nhiệt ở bụng tàu, có thể gây nguy hiểm khi tàu vào bầu khí quyển. Việc hạ cánh của tàu con thoi không đơn giản như đáp máy bay mà gồm chuỗi thao tác phức tạp, có thể làm vỏ tàu nóng đến 1.650 độ C...

An toàn là quan tâm hàng đầu

Bảo đảm an toàn cho tàu con thoi trở về trái đất luôn là quan tâm lớn của NASA, nhất là từ sau vụ tàu Columbia bị nổ ngày 1-2-2003 ở chuyến bay thứ 28, làm cả 7 phi hành gia tử nạn và chương trình con thoi không gian phải đình hoãn 2 năm rưỡi.

Trung tâm Không gian Kennedy (KSC) ở mũi Canaveral, bang Florida, luôn là điểm đáp ưu tiên hàng đầu của tàu con thoi. Ở đây có một trong những đường băng lớn nhất thế giới: dài 4.472m, ngang 91,4m, mỗi đầu có thêm đoạn đường an toàn dài 305m. Nếu điều kiện không cho phép, tàu con thoi phải đáp xuống căn cứ không quân Edwards ở bang California, hoặc có thể ở một căn cứ khác của Mỹ trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí sẽ tăng, chẳng hạn nếu tàu con thoi đáp ở căn cứ Edwards, NASA phải tốn 1,7 triệu USD để đưa nó về mũi Canaveral.

NASA đã lập kế hoạch cho ít nhất 12 sứ mệnh tàu con thoi nữa đến năm 2010 để hoàn tất xây dựng Trạm Không gian quốc tế (ISS). IIS – trị giá 100 tỷ USD, hiện đã xong gần 60% – được xem là một bước chính chuẩn bị cho các chuyến bay có người đến sao Hỏa. Tuy nhiên, theo Wayne Hale, giám đốc chương trình con thoi, NASA có thể hoãn 2 sứ mệnh con thoi dự định vào tháng 10 và 12 tới để khắc phục sự cố “thủng bụng” vừa rồi.

Hạ cánh không đơn giản
Tàu con thoi hạ cánh như thế nào? ảnh 2

Endeavour bung dù giảm tốc khi đáp xuống đường băng ở KSC hôm 21-8

Theo NASA, để trở về trái đất, tàu con thoi phải tiến hành một loạt thao tác kỹ thuật phức tạp, đưa tàu vào đúng vị trí để tiếp đất an toàn. Quá trình hạ cánh hoàn toàn do máy tính kiểm soát nhưng con người có thể điều khiển khi cần thiết.

Đầu tiên, tàu con thoi lật ngửa bụng lên trên để kiểm soát nhiệt độ thân tàu gia tăng (ảnh 1). Để vào bầu khí quyển, tàu quay ngược đuôi hướng về trước và khởi động các động cơ OMS để giảm tốc (ảnh 2). Tiếp theo, tàu lật lên trên ở một góc khoảng 40 độ so với phương ngang và đi vào tầng cao nhất của khí quyển (ảnh 3). Góc đó giúp tàu vừa giảm tốc độ vừa giảm nhiệt độ cho vỏ tàu, lúc này có thể tăng đến 1.650 độ C ở rìa trước của cánh và ở mũi tàu (ảnh 4). Khi tốc độ giảm, tàu con thoi bắt đầu bay tương tự máy bay, dùng bánh lái ở đuôi và cánh con điều khiển tàu “đánh võng” hơn nữa để giảm thêm tốc độ (ảnh 5). Tàu con thoi giảm dần độ cao và ở góc 19 độ, dốc hơn một chút so với máy bay thương mại, đến điểm tiếp đất sẽ chạy trên đường băng và bung dù giảm tốc (ảnh 6).

NASA hiện có 3 tàu con thoi hoạt động: Discovery đã bay 33 chuyến từ chuyến đầu tiên ngày 30-8-1984; Atlantis đã 28 lần lên không gian từ chuyến đầu tiên ngày 3-10-1985; Endeavour mới nhất, đã bay 20 chuyến từ chuyến đầu tiên ngày 7-5-1992 (Endeavour được xem là tàu thay thế cho Challenger bị nổ ngày 28-2-1986, chỉ 73 giây sau khi phóng chuyến thứ 10, làm thiệt mạng 7 phi hành gia). Mỗi tàu con thoi đều được thiết kế để phóng khoảng 100 lần hoặc hoạt động 10 năm. Đến năm 2010, đội tàu con thoi sẽ “nghỉ hưu”, thay thế là tàu con nhộng Orion có khả năng chu du tận mặt trăng hoặc sao Hỏa.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục