Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, Hội An (Quảng Nam) có hơn 100 tàu cao tốc phục vụ du lịch, có thiết kế mui kín, với lối thoát hiểm ở hai đầu phương tiện. Ngoài tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm, hiện trên toàn quốc có nhiều tuyến vận tải khách ven biển bằng loại tàu này.
Tàu cao tốc có mui kín là cấu hình tuân thủ theo quy định của Bộ Luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện thủy. Hiện các nước, tổ chức đăng kiểm trên thế giới đều quy định tàu cao tốc chạy ven biển phải thiết kế có mui kín.
Theo các chuyên gia, việc thiết kế mui kín cho tàu cao tốc là bắt buộc, bởi nếu không sẽ gây mất an toàn cho phương tiện và hành khách trong quá trình vận hành. Trong khi tàu chạy, gió và sóng có thể đánh lên khoang, gây nguy hiểm cho hành khách, đồng thời dẫn đến bị mất ổn định phương tiện, gây mất an toàn cho chính phương tiện.
Trước ý kiến về việc có nên sửa đổi thiết kế tàu cao tốc để thuận lợi hơn cho công tác cứu nạn, cứu hộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, khi quốc tế xây dựng Bộ Luật an toàn về tàu cao tốc, các chuyên gia đã dựa trên đánh giá tất cả các rủi ro để từ đó đề ra phương án thiết kể. Kể cả rủi ro xảy ra trong khai thác, cứu nạn cũng được nhận dạng. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung cần có sự đánh giá, rà soát và phải tuân theo chuẩn quốc tế về tàu cao tốc.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, tàu cao tốc mui kín hoạt động từ nhiều năm nay và đang phổ biến ở các tuyến vận tải ven biển. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn xảy ra ở Quảng Nam, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt nam sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng về phương tiện thủy cao tốc, nếu có gì chưa hợp lý sẽ nghiên cứu, sửa đổi.