Tại cuộc họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ NN-PTNT tổ chức sáng 3-7, ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) thông tin, vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra IUU tại các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau.
Qua kiểm tra và nắm bắt thực tế, Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) đã ghi nhận một số chuyển biến tại các địa phương, như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đã đạt gần 100%, công tác quản lý đội tàu, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản... đã có tiến bộ.
Tuy nhiên, ông Dương Văn Cường cho biết, tại các địa phương vẫn còn một số tồn tại, như vẫn phát hiện nhiều tàu vi phạm, nhưng kết quả xử lý không được như yêu cầu. “Mặc dù gần 100% tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng vẫn xảy ra tình trạng tàu mất kết nối để trốn tránh giám sát của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cũng chưa xử lý được những tàu cập cảng tư nhân (không được chỉ định) để bốc dỡ thủy sản, nên khó thống kê, xác định sản lượng khai thác của các địa phương như quy định”, ông Dương Văn Cường thông tin.
Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, số liệu mới nhất là cả nước hiện nay còn 86.820 tàu khai thác thủy hải sản, trong đó, lắp đặt thiết bị VMS đạt 97,65%; nguy cơ cao (vi phạm) nằm ở số tàu còn lại.
“Việc ngắt kết nối, gửi thiết bị sang tàu khác cho thấy, việc quản lý tàu còn có vấn đề”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu thực trạng và dẫn chứng, từ đầu năm 2023 đến nay, tiếp tục xảy ra nhiều tàu, ngư dân bị nước ngoài (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) bắt giữ, xử lý và tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang. EC khẳng định không gỡ thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo yêu cầu của EC, tàu đi đánh bắt hải sản phải có nhật ký, nhưng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện nay chủ yếu là hồi ký, chứ không phải nhật ký. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “10 tàu ghi giống nhau thì không phải là nhật ký”. Hiện, chúng ta mới quản lý được khoảng 40% tàu cập bến đúng quy định và trong đó, sản lượng cá đi theo tàu cũng chỉ quản lý được 25-30%. "Quản tàu như thế, quản cá như thế thì hỏi truy xuất nguồn gốc làm sao”, ông Phùng Đức Tiến nêu câu hỏi.
Để chấn chỉnh tình trạng vi phạm vẫn kéo dài, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, cơ quan chức năng đã điều chỉnh một số giải pháp mạnh tay như tăng thêm 6 thiết bị theo dõi phạt nguội những tàu vi phạm; đồng thời bổ sung quy định phạt cả chủ tàu lẫn máy trưởng, không để tình trạng chủ tàu trả lời “tôi chỉ cho thuê còn không biết tàu đi đâu” là xong, và cho phép cảnh sát biển cũng được xử lý các tàu vi phạm.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Dương Văn Cường cũng thông tin thêm, theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi các quy định về IUU lần thứ 4. Do đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến tháng 10 phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu, trọng tâm là xử lý tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài và tăng cường thực thi pháp luật trên biển để xử lý, xử phạt, tăng cường giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc… nhằm đảm bảo độ tin cậy cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu.
"Từ nay đến tháng 10, Ban chỉ đạo quốc gia sẽ tiếp tục đi kiểm tra việc thực thi IUU tại các địa phương trọng điểm, hỗ trợ những địa phương còn nhiều vi phạm, chuẩn bị tiếp đón Đoàn Thanh tra EC vào kiểm tra lần thứ 4", ông Cường thông tin.