Tàu chờ phát mại
Anh Nguyễn Do Thái ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ, anh vay ngân hàng hơn 22 tỷ đồng để đóng 2 chiếc tàu, nhưng đến nay mới chỉ trả được hơn 1,5 tỷ đồng. “Do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhiều lúc tàu ra khơi gần 1 tháng mà không đủ tiền dầu, tiền nhân công. Để trả được hơn 1,5 tỷ đồng cho ngân hàng tôi phải bán 2 mảnh đất. Giờ cả 2 tàu nằm bờ, đang chờ phát mại tài sản mà không ai mua”, anh Thái nói.
Ông Trần Văn Chiến, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, cho biết, để chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép trị giá 18,2 tỷ đồng, ông được tạo điều kiện vay 95% giá trị của tàu theo Nghị định 67. Thời gian đầu, tàu lớn vươn ra các ngư trường như Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt tương đối thuận lợi, sản lượng tăng rõ rệt. Ông trả nợ cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi gần 1 tỷ đồng trong năm đầu tiên.
Nhưng hơn 1 năm nay, ông không trả thêm được đồng nào do đi biển quá khó khăn. Gia đình ông Nguyễn Văn Lòng (xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đóng tàu công suất 829CV với tổng vốn hơn 13,5 tỷ đồng. Do khai thác kém hiệu quả nên tàu nằm bờ từ tháng 5-2018 đến nay.
Anh Trần Huy Thủy, một “con nợ” khó đòi của ngân hàng ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), cho biết lý do: “Năm 2015 đến 2016, tàu của tôi đánh bắt được nên thực hiện việc trả nợ ngân hàng đúng hạn. Từ năm 2017 đến nay, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhiều chuyến đi tầm 20 ngày với tổng chi phí khoảng 95 - 100 triệu đồng, chưa tính tiền nhân công, thế mà chạy lòng vòng ngoài biển rồi lại về tàu không”.
Cuối tháng 12-2016, tàu vỏ thép của ông Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ, Bình Định) do Công ty Nam Triệu (Hà Nội) đóng, hạ thủy. Để đóng tàu, ông Sơn phải vay ngân hàng 19,8 tỷ đồng, mỗi năm trả lãi và gốc gần 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 3-2017, tàu bị hư hỏng do công ty làm ẩu, phải nằm bờ suốt cả năm 2017...
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam, cho biết, tàu vỏ thép QNa-94679 của ông Liên được đóng theo Nghị định 67 nhưng nay nghị định đã hết hiệu lực nên ngân hàng không có cơ sở để giải ngân phần vốn còn lại. “Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 67 của tỉnh chỉ đạo các bên giải quyết dứt điểm vướng mắc xung quanh con tàu này nhưng đến nay vẫn bế tắc. Tàu chưa thể bàn giao nhưng ngư dân đã lâm vào nợ xấu”, bà Nga nói.
Kiện ngư dân ra tòa
Tại Nghệ An, hiện tại có 81 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng, trong đó có 37 chủ tàu không chịu trả nợ. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: “Để dẫn tới tình trạng nợ xấu lên tới 156 tỷ đồng là do công tác phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 67 giữa các cấp, các ngành hiệu quả không cao...”.
Vị này cũng cho hay, ngân hàng đã khởi kiện 4 trường hợp có thu nhập tốt nhưng cố tình không trả nợ. Tuy nhiên, quá trình khởi kiện kéo dài, việc thi hành án cũng như bán đấu giá mất nhiều thời gian, trong khi đó, các tàu cá nằm bờ quá lâu sẽ xuống giá trị rất nhanh.
Đầu tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có văn bản giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan, tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ tàu nợ xấu để phối hợp với các ngân hàng tìm giải pháp, đôn đốc ngư dân trả nợ theo đúng cam kết.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, thời gian gần đây có 9/11 chủ tàu thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng và khai báo doanh thu không chính xác. Một cán bộ Ngân hàng BIDV tại Huế cho biết, việc phát sinh nợ quá hạn làm tăng số tiền lãi phải trả của chủ tàu 67 và không được hỗ trợ lãi suất. Nếu chủ tàu không trả được khoản nợ quá hạn, nợ vay chuyển sang nợ xấu sẽ càng khó khăn hơn, thậm chí chủ tàu sẽ bị phía ngân hàng áp dụng các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi vốn vay.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định, cho biết: “Hiện khoản nợ của các ngư dân khá lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả hoạt động chung của ngân hàng. Bởi đây là vốn huy động từ thương mại để cho vay, Nhà nước chỉ hỗ trợ về lãi suất. Tuy nhiên, vừa rồi theo Thông tư 114 của Bộ Tài chính, đối với các tàu đánh bắt ngư trường kém hiệu quả thì không được nằm trong danh mục hỗ trợ, giãn nợ. UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo các huyện, thành phố có ngư dân tàu 67 đang nợ quá hạn, nợ xấu ở ngân hàng để xác minh lại từng trường hợp cụ thể”.