Theo thống kê của Bộ TT-TT, thuê bao di động băng rộng 3G và 4G hiện chiếm 50% và 50% còn lại là công nghệ 2G. Hiện Bộ TT-TT đang xây dựng chính sách để sớm công bố lộ trình tắt sóng công nghệ 2G, chuyển sang công nghệ băng rộng 3G, 4G. Việc tắt sóng 2G được xem là để giải phóng băng tần cho phát triển 4G và xa hơn nữa là 5G.
2G là thế hệ mạng di động thứ 2, ra đời từ năm 1991. Tuy nhiên, theo lộ trình phát triển công nghệ viễn thông (từ 2G lên 2,5 - 2,75G, rồi 3G, 4G và 5G), sự phổ biến, giá rẻ của thiết bị đầu cuối, điện thoại thông minh nên nhiều quốc gia đã từng bước tắt sóng 2G, hoặc công bố lộ trình tắt sóng 2G trong vài năm tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Australia, Mexico, Ấn Độ, Hà Lan, Thụy Sĩ…
Đây được xem là bước tiến không thể thay đổi về mặt công nghệ. Vấn đề là lộ trình tắt sóng như thế nào, bởi đa số người dùng dịch vụ 2G ở Việt Nam hiện nay là người có thu nhập thấp. Nếu tắt sóng 2G ngay lúc này, ngay lập tức 50% thuê bao di động Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, Bộ TT-TT cần sớm công bố lộ trình tắt sóng 2G để tất cả cùng biết và chuẩn bị. Ngay năm 2020 công bố lộ trình và đến khoảng 2023-2025 chính thức tắt hoàn toàn sóng 2G là lộ trình phù hợp để cả các nhà mạng và người dân sử dụng dịch vụ chuẩn bị chuyển đổi, không gây xáo trộn hay sự cố lớn.
Trong thời gian đó, các nhà mạng sẽ nâng cấp chất lượng và vùng phủ sóng 3G, 4G; đồng thời điều chỉnh giá cước xuống mức phù hợp với đa số người dùng 2G chuyển lên. Các nhà mạng có thể nghiên cứu chính sách trợ giá, giúp người dân thu nhập thấp dễ dàng sở hữu các điện thoại sử dụng sóng 3G, 4G. Phải làm được các việc đó thì việc ngừng tắt sóng 2G mới nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của tất cả các bên liên quan.
Với 5G, đến nay mạng Viettel đã triển khai thử nghiệm và theo kế hoạch, từ đây đến hết năm 2019, VNPT/VinaPhone và MobiFone cũng sẽ phát sóng thử nghiệm 5G.
Nếu năm 2020, các quy chuẩn về mạng 5G được công bố thì năm 2021-2022, Việt Nam sẽ triển khai thương mại hóa mạng 5G. So với 3G và 4G, 5G sử dụng các công nghệ mới để truyền tải toàn bộ năng lực của mạng truyền dẫn đến người dùng di động.
Một điều khách quan, người dân Việt Nam sẽ không thay thế các điện thoại 3G, 4G lên 5G “trong một đêm” mà sẽ cần thời gian lâu hơn. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các hãng sản xuất điện thoại di động trên thế giới đều chưa mặn mà với 5G.
Nói cách khác, 5G không phải như 3G và 4G, chủ yếu dùng cho kết nối dữ liệu điện thoại thông minh. Thay vào đó, 5G sẽ được triển khai ứng dụng đầu tiên ở các cơ sở hạ tầng, nhà máy, doanh nghiệp. 5G cũng đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp và đem tới những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam.