Số bệnh nhân Covid-19 vẫn tăng mỗi ngày. Chỉ trong 1 tuần, 4 bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động tại các quận 12, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức và sắp tới là quận 5. Có thể thấy, sự sẵn sàng của ngành y tế trong tình huống có 15.000 ca bệnh, thậm chí còn cao hơn nữa.
Thế nhưng, rất nhiều người cảm giác lo lắng, bất an bởi tiếng còi xe cứu thương. Đó là âm thanh báo hiệu xe đưa bệnh nhân Covid-19 về các bệnh viện dã chiến. Bất kể khung giờ nào, 7 giờ, 11 giờ, 23 giờ và thậm chí 3-4 giờ sáng.
Tiếng còi hú gấp gáp, dồn dập của hàng chục chiếc xe cứu thương bao trùm không gian khu dân cư An Khánh (TP Thủ Đức) kể từ khi bệnh viện dã chiến số 3 hoạt động. Giấc ngủ của những đứa trẻ bị cắt ngang và thay vào đó là sự hoảng hốt, một trạng thái tâm lý hoàn toàn dễ hiểu.
Không riêng TP Thủ Đức, mà khu vực quận 1 cũng không tránh khỏi tình trạng trên. Chị Phan Bích Thủy, một phóng viên thường xuyên ở lại tòa soạn muộn để làm việc, phải cảm thán: “5 phút 1 chuyến xe, tim mình muốn đập loạn lên dù biết không phải là cấp cứu tai nạn”.
Bệnh nhân Covid-19 tăng cao, việc vận chuyển liên tục là điều tất yếu. Áp lực của các tài xế là không nhỏ, vì công suất làm việc và nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, ngoài những bệnh nhân nặng, có những bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng. Đường phố hiện nay cũng thông thoáng vì người dân đã hạn chế đi lại tối đa. Như vậy có thể thấy, nhu cầu ưu tiên xin đường của xe cứu thương, nhất là các xe chở các ca có triệu chứng nhẹ, đến các bệnh viện dã chiến lúc này hoàn toàn không cần thiết.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự hoang mang là liều thuốc độc. Có lẽ, chỉ bằng 1 động tác tắt tiếng còi hú, ngành y tế sẽ mang lại sự yên lòng cho hàng ngàn người dân trong thời gian chấp hành giãn cách xã hội.