Chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà giải pháp nào chấn chỉnh những yếu kém của quản lý đất đai hiện nay.
Người đứng đầu có tâm thì không để xảy ra khiếu kiện về đất đai
Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng quản lý đất đai nông lâm trường quản lý lỏng lẻo, đầu cơ đất đai, "đất công thành đất ông"… là những vấn đề gay gắt ở đầu nhiệm kỳ. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để chỉ đạo rà soát, thanh tra, kiểm tra ở những vùng là điểm nóng. Trong 2 năm 2016-2017, ngành TN-NT đã tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra ở những nơi quản lý đất đai lỏng lẻo. Đã có gần 3.000 đối tượng bị thanh tra kiểm tra, đã thu hồi hàng chục ngàn ha đất sử dụng không hiệu quả; đã thanh tra ở 5 tỉnh thành lớn, chấm dứt 516 dự án không hiệu quả, thu về trên 3.000 ha đất để phục vụ phát triển..
Bộ TN-MT cũng đã sơ kết 5 năm thực hiện các cơ chế, chính sách về đất đai. Bộ Chính trị đã ban hành kết luận với các giải pháp quan lý đất đai. “Tới đây sẽ tiếp tục rà soát để sửa luật đất đai, trong đó đề cao vai trò quản lý của từng cấp từng ngành trong quản lý đất đai, làm mạnh quy hoạch đất đai”, Bộ trưởng nói.
Không hài lòng với phần trả lời này, ĐB Hồng tranh luận lại, cho rằng vấn đề lớn nhất là vi phạm kỷ cương kỷ luật, vi phạm quy hoạch, thất thoát tài sản đất đai rất lớn. “Không những chỉ do cơ chế mà yếu tố con người rất quan trọng. Nếu người đứng đầu có tâm thì chắc chắn không để xảy ra các sai phạm về đất đai như thời gian qua, gây khiếu kiện lớn. Và cũng chưa có ai bị xử lý cả. Trong khi chờ sửa luật đất đai, cần có giải pháp kịp thời để chấn chỉnh tình trạng vi phạm, đấu thầu sử dụng đất thiếu minh bạch”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng trả lời thêm bằng văn bản cho ĐB, đồng thời cho biết, tới đây, trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Quốc hội, sẽ có nội dung về quản lý đất đai, yêu cầu đấu thầu công khai minh bạch tất cả quỹ đất do Nhà nước quản lý để tránh thất thoát.
12 dự án thua lỗ đều đã bị thanh tra
Trả lời về việc xử lý 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, có 2 dự án đã khôi phục sản xuất kinh doanh và bắt đầu có lãi là DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung. Hai nhà máy này đã đạt tiêu chí để báo cáo Quốc hội đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.
4 dự án còn lại như Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai đã giảm bớt lỗ. Tuy nhiên các do số nợ, lãi suất phải trả còn cao, nên vẫn tiếp tục phải tái cơ cấu. Ba dự án dừng sản xuất, trong đó có Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền và cuối tháng 11-2018 sẽ vận hành cả 11 dây chuyền, là điều kiện bước đầu để cơ cấu hoặc thoái vốn. Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất đã bắt đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường. Riêng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vốn Nhà nước dưới 30% còn lại là vốn tư nhân; đáng nói quá trình đầu tư có sai phạm và sẽ phải xem xét có thể cho phá sản.
Còn dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 tương đối phức tạp khi có tranh chấp với tổng thầu EPC (Trung Quốc), các bên liên quan đang đàm phán với đối tác và đẩy nhanh thoái vốn của Tổng công ty Gang thép Thái Nguyên.
Theo Bộ trưởng, “sức khoẻ" số dự án này phụ thuộc nhiều vào thị trường các sản phẩm như than, phân bón, xơ sợi... Song mục tiêu là bảo toàn tối đa vốn Nhà nước, cụ thể năm 2020 cơ bản xử lý xong số dự án này. Bộ trưởng cũng khẳng định, quá trình xử lý các dự án này cũng sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan. 12 dự án đã thanh tra, trong đó 6 dự án kiểm toán nhằm đánh giá thiệt hại, 4 dự án đang chuyển cơ quan điều tra và 2 dự án đã khởi tố hình sự.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn về vấn đề quản lý quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa ở các địa phương. ĐB dẫn chứng ở Nghệ An trên lưu vực sông Cả (1km có 3 nhà máy thủy điện; 180 bản có nhà máy thủy điện nhưng dân không có điện thắp sáng..). Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi Chính phủ có yêu cầu, từ năm 2014 các địa phương đã phải làm nghiêm việc này. Toàn quốc đã đưa ra khỏi 474 thủy điện nhỏ và vừa không bảo đảm yêu cầu; xóa bỏ 231 quy hoạch không bảo đảm các yêu cầu phát triển cũng như bảm đảm môi trường.