Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, còn định hướng nhiều nội dung quan trọng để hướng TPHCM phát triển bền vững trong tương lai.
Đoàn kết gánh việc
Ngay từ đầu năm 2019, cường độ làm việc của lãnh đạo TPHCM có sự tập trung cao độ, hướng nhiều về cơ sở. Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP liên tục có các buổi làm việc với từng quận huyện, sở ngành; khảo sát tại nhiều dự án lớn để đốc thúc tiến độ. Từ đó, nhiều vướng mắc ở dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) về vốn, về thủ tục và bộ máy vận hành đã được tháo gỡ, tiến độ thi công được đẩy nhanh để đến cuối năm 2020 vận hành thử và năm 2021 vận hành chính thức như kế hoạch.
Tương tự, các vướng mắc của dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng cũng được tháo gỡ và dự án đã được tái khởi động, sau một thời gian tạm dừng. Đáp lại sự quan tâm này, chủ đầu tư cam kết, trong tháng 5-2019 các quận huyện bàn giao toàn bộ mặt bằng thì dự án sẽ hoàn thành ngay trong năm nay. Cuộc sống của khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM từ đó cũng thay đổi tích cực hơn, khi khả năng tiêu thoát nước của vùng diện tích 750km² (trong phạm vi dự án) được cải thiện.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các quận huyện, sở ngành rà soát tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020. Tại mỗi đơn vị, lãnh đạo TPHCM phân tích các chỉ tiêu có khả năng không hoàn thành và gợi ý các giải pháp “chạy nước rút” hoàn thành kế hoạch 5 năm. Qua đó, tiến độ của từng dự án hạ tầng trọng điểm (như dự án đường Vành đai 2, công viên hồ Khánh Hội…) hoặc những dự án dân sinh (trường học, bệnh viện) cũng được nêu ra, nhằm đảm bảo tiến độ.
Người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền TPHCM cũng chủ trì nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng. Đáng chú ý là hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hội thảo khoa học nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hội thảo quốc tế về đối tác công tư... nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sự phát triển đối với những lĩnh vực này. Lãnh đạo TPHCM cũng đánh giá, tài nguyên con người của TPHCM rất lớn, trên khắp các lĩnh vực. Do vậy, TPHCM đã phát động các đợt thi đua mới, trong đó có việc công bố Giải thưởng Sáng tạo. Việc này nhằm tạo bước chuyển mới trong khai thác nguồn tài nguyên con người, tinh thần sáng tạo trong mỗi người dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển TPHCM.
Bằng sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm công việc và sự tập trung trong chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM đã có được các kết quả tích cực. Trong quý 1-2019, kinh tế TPHCM tiếp tục giữ đà tăng trưởng, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt gần 324.500 tỷ đồng (tăng hơn 7,6%).
Các sở ngành, địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ thực hiện nhiệm vụ đột phá cải cách hành chính. Nhiều mô hình, ứng dụng cải cách hành chính, đặc biệt là các ứng dụng trực tuyến đã được nhân rộng tại nhiều quận - huyện như: quận 3, Thủ Đức, Hóc Môn... Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức khảo sát độc lập sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính. Đây là cơ sở để nhận biết lại chính quyền các cấp còn những khiếm khuyết gì khiến dân không hài lòng để chấn chỉnh, hoàn thiện. Nhiệm vụ này liên tiếp được lãnh đạo TPHCM đặt ra khi làm việc với cơ sở. Nơi nào không ghi nhận được, không trả lời được tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp thì không có cơ sở chi thu nhập tăng thêm.
Nhận diện thách thức, tìm giải pháp mới
Song, tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức lớn, trong đó, có vướng mắc lớn là về cơ chế, chính sách. Để tháo gỡ, từ đầu năm 2019 đến nay, TPHCM tiếp đón nhiều đoàn công tác của Trung ương. Những buổi làm việc này rất có ý nghĩa trong việc tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để TPHCM tiến bước.
Trong dài hạn, TPHCM cũng đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện phương thức quản lý, tạo hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao chất lượng sống của người dân TPHCM. Các chủ trương này đang từng bước được hiện thực hóa bằng việc thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, gắn với việc phấn đấu TPHCM là địa phương trong cả nước triển khai mạng viễn thông 5G; hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông…
Đón nhận những kết quả tích cực, lãnh đạo TPHCM cũng đánh giá đầy đủ những hạn chế, tồn tại, thách thức trước mắt và khả năng sẽ đối diện trong tương lai. Bởi trong phát triển kinh tế, nhiều ngành dịch vụ trọng yếu của TPHCM có dấu hiệu chựng lại. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo thấp là nguy cơ gây cản trở sự phát triển công nghiệp và xuất khẩu của TPHCM trong các năm sắp tới. Đặc biệt, làm việc với một số địa phương, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ rõ nguy cơ giảm sút nguồn thu ngân sách nhà nước trong những năm tới, do nguồn thu từ đất đai giảm. Nguồn thu ngân sách giảm không chỉ tác động trực tiếp đến mỗi quận huyện, đến TPHCM mà còn ảnh hưởng đến sự đầu tư, phát triển chung của cả nước.
Từ đó, nhiệm vụ mới được đặt ra là việc tổ chức quy hoạch hạ tầng cho các ngành dịch vụ như du lịch, văn phòng, giáo dục, y tế, giải trí, thương mại. Mục tiêu hướng tới là để người dân có cuộc sống tốt hơn, bộ mặt đô thị của TPHCM khang trang, hiện đại hơn và đáp ứng tốt hơn cho các ngành dịch vụ phát triển, đóng góp tích cực cho phát triển của TPHCM.
Quan tâm đến quyền lợi của người dân cũng là yêu cầu được lãnh đạo TPHCM hay nhấn mạnh. Kể cả khi thực hiện các dự án phục vụ cho lợi ích công cộng, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu phải gắn với dân, mời gọi người dân bị ảnh hưởng cùng tham gia góp ý kiến. Bởi những vấn đề “nóng”, những mắc mứu hiện nay đều liên quan đến người dân thì họ sẽ hiểu và có cách cùng với chính quyền giải quyết. Để rõ hơn về phương thức thực hiện, lãnh đạo TPHCM đã lên kế hoạch đi tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài và từng cụ thể hóa chủ trương này.