Đến huyện Chợ Lách lúc này, đâu đâu cũng thấy người dân tất bật sản xuất cây giống các loại phục vụ nhu cầu trồng mới vườn cây ăn trái trong cả nước; đồng thời xuất sang các nước Campuchia, Lào... Năm nay, nhiều cơ sở sản xuất cây giống đầu tư thêm hệ thống tưới tự động cùng những công nghệ mới nhằm chủ động sản xuất thuận lợi hơn, nâng số lượng cây giống cung cấp ra thị trường.
Tại cơ sở sản xuất cây giống của ông Nguyễn Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) hiện có khoảng chục công nhân đang tất bật thực hiện công đoạn ghép, bo mít nghệ Thanh Sơn, với số lượng khoảng 3.000 cây. Ông Sơn bộc bạch: “Loại mít này được tôi chọn lọc, trồng từ hạt giống mít nghệ của địa phương, khi tình cờ phát hiện cây mít trái to, múi to và đem nhân giống. Sau gần 20 tháng, cây cho từ 2-4 trái khá lớn, có múi nặng hơn 200g. Hiện giống mít này được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đánh giá giống mít nghệ Thanh Sơn cho múi to, dày, vàng nghệ, ngọt thanh, phù hợp làm mít sấy. Đây là một trong những giống mít nội có triển vọng”.
Ngoài sản xuất giống mít nghệ, ông Sơn còn lai tạo giống bơ lùn siêu sớm. Sau khoảng 15 tháng chăm sóc, cây cho trái to, cơm dày, hạt bé, với ưu điểm nổi bật là thích nghi tốt với hạn mặn.
Không chỉ ông Sơn, nhiều người dân Chợ Lách cũng lai tạo ra hàng loạt cây giống mới cung cấp cho thị trường khắp nơi. Điển hình như vú sữa Mica vừa được đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm và giống cây đầu dòng; hiện được nông dân ở Cà Mau, Đắk Nông… trồng. Đặc tính của vú sữa Mica là ngọt, thơm, khi chín không có mủ, ăn được cả vỏ. Cơ sở sản xuất cây giống của ông Lê Văn Thảo đang cung ứng ra thị trường mít ruột đỏ lá bầu, khi chín có màu cam đỏ, múi to, cơm dày, thịt giòn, vị ngọt thơm. Bình quân mỗi trái nặng khoảng 10kg, dự kiến cuối năm 2021 cơ sở của ông có thể cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 cây giống.
Bên cạnh đó, người dân huyện Chợ Lách lai tạo thành công giống mít đẹp về màu sắc và chất lượng. Mít chín không có mủ, múi to, ngọt thanh, được đặt tên là mít cam đào.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, đánh giá: “Tỷ lệ thành công trong việc sản xuất cây giống ở Chợ Lách đã đạt 70%. Điều này cho thấy, người dân làm nghề sản xuất cây giống ở đây đã đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, thể hiện tính chuyên nghiệp qua từng công đoạn”.
Ông Nguyễn Văn Đảm (nông dân xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) vừa đến cơ sở sản xuất cây giống của ông Nguyễn Thanh Sơn mua 350 cây mít nghệ Thanh Sơn, với giá 240.000 đồng/cây, nhằm chuyển đổi sản xuất 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái. Ông Đảm hy vọng những ưu điểm của mít nghệ Thanh Sơn sẽ nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, khi mà xu thế thị trường đang chuộng những giống cây mới, chất lượng cao... Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Đầy (ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) tìm đến cơ sở sản xuất cây giống của ông Nguyễn Thanh Sơn chọn mua bơ lùn siêu sớm bởi dễ ra trái, thời gian trồng ngắn…
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, giống mít nghệ Thanh Sơn đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Hàng năm, cơ sở của ông cung cấp ra thị trường trong nước khoảng 100.000 cây giống. “Hiện nay do thiếu nhân công sản xuất nên cơ sở làm ra số lượng bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu…”, ông Sơn nói.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, toàn huyện mỗi năm có khoảng 1.500ha đất sản xuất cây giống, với khoảng 7.000 hộ tham gia; bình quân cung ứng ra thị trường hơn 30 triệu cây giống các loại. Đây là nghề “hái ra tiền”, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi này. |