TPHCM và Bình Dương đã chi hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo, khắc phục ô nhiễm con kênh, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn triệt để được nguồn xả nước thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư… Người dân sinh sống ven kênh vẫn nơm nớp nỗi lo phát sinh bệnh dịch và ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Quá tải nguồn thải
Theo ghi nhận tại kênh Ba Bò khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và quận Thủ Đức, nước ở đây vẫn một màu đen đục, bốc mùi hôi khó chịu. Người dân cũng phản ánh, thỉnh thoảng kênh lại xuất hiện nhiều bọt trắng, không biết chảy từ đâu ra. Qua số liệu quan trắc hàng tháng của Bình Dương và TPHCM cho thấy, so với quy chuẩn về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT (cột B) thì hàm lượng BOD5 vượt từ 1,29 - 4,92 lần tại 4/9 vị trí quan trắc, hàm lượng COD vượt từ 1,39 - 2,65 lần tại 2/9 vị trí, hàm lượng kim loại sắt (Fe) vượt từ 6,07 - 39,35 lần tại 4/9 vị trí, hàm lượng vi sinh vượt nhiều lần tại tất cả các vị trí quan trắc.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương, tổng lưu lượng nước thải trên địa bàn tỉnh thải vào kênh Ba Bò khoảng 18.400 - 19.600m3/ngày, với các nguồn từ nước thải khu thương mại Sóng Thần và các hộ dân thuộc khu phố Tân Long (phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An) với lưu lượng 1.500m3/ngày; nước thải sinh hoạt của các hộ dân thuộc khu phố 11, 16 (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An) khoảng 1.000m3/ngày; nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư Xóm Nghèo, khu tái định cư Sóng Thần và khu dân cư Đường Sắt (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) khoảng 1.300 - 1.500m3/ngày; nước thải của 4 doanh nghiệp (sản xuất dây điện, chế biến gỗ, may mặc, cơ khí) và 14 cơ sở (may mặc, bao bì, gốm mỹ nghệ) thuộc địa bàn 2 phường Tân Đông Hiệp và Dĩ An khoảng 600m3/ngày; nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, KCN Sóng Thần 2 khoảng 14.000 - 15.000m3/ngày.
Trước năm 2008, kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn trên 10 lần. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt và rác thải của các khu dân cư nằm dọc kênh Ba Bò xả trực tiếp ra kênh, nước thải của một số doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 chưa đấu nối về hệ thống xử lý tập trung, nước thải sau xử lý của 2 KCN trên một số thời điểm chưa đạt quy chuẩn (do bị quá tải cục bộ), đặc biệt là rác thải và chất thải tích tụ trong đập chứa nước, trên lòng kênh từ nhiều năm trước đây.
Cần sự hợp tác và đồng thuận
Để tập trung xử ý ô nhiễm kênh Ba Bò, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan vừa chỉ đạo Sở TN-MT TPHCM chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương và các đơn vị liên quan, tham mưu tổ chức một buổi làm việc giữa UBND TPHCM với UBND tỉnh Bình Dương, trong tuần đầu tiên của tháng 7-2019 (về việc xây dựng chương trình phối hợp, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường trên tuyến kênh Ba Bò).
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước khẩn trương hoàn thành, đưa vào vận hành chính thức trạm xử lý nước thải kênh Ba Bò; đồng thời truyền dữ liệu từ hệ thống quan trắc tự động nước thải đầu vào trước khi xử lý về cho Sở TN-MT TPHCM để kịp thời quản lý, giám sát cũng như thông báo, phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời kiểm tra, giám sát và có các biện pháp phù hợp nhằm giải quyết, khắc phục kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm trên tuyến kênh Ba Bò.
Theo Sở TN-MT TPHCM, thành phố đã thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, trong đó có hạng mục hồ sinh học và các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, sở này đã cung cấp, chia sẻ thông tin kết quả quan trắc chất lượng môi trường định kỳ trên tuyến kênh Ba Bò; chia sẻ tức thời, liên tục số liệu quan trắc nước thải sau xử lý của các KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2, Bình Chiểu và KCX Linh Trung 1.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương quan trắc định kỳ và thường xuyên giám sát trên tuyến kênh. Đặc biệt, UBND TPHCM đã đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa 2 địa phương nhằm khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn vào kênh Ba Bò. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở, tổ chức bên ngoài KCN phải có giải pháp xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi xả thải vào kênh; tăng cường công tác tuyên truyền và đề nghị các hộ dân cam kết không xả rác xuống tuyến kênh Ba Bò.