Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết trực tuyến của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 được NHNN Việt Nam tổ chức ngày 21-7, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu TCTD và thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC), hệ thống ngân hàng ổn định, an toàn, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và cơ cấu lại.
Mặc dù vậy, Thống đốc cũng nhìn nhận rằng, mặc dù nhìn chung nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, trên 10% và ngành ngân hàng đang phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý.
Đánh giá về Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, Thống đốc cho rằng đây là văn bản pháp lý quan trọng, khi các vướng mắc pháp lý liên quan tới tài sản đảm bảo vướng nhiều năm đã có hướng gỡ.
“Lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội”, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho biết, ngày 19-7 vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản yêu cầu các tòa án nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc thống nhất triển khai một số nội dung nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm của các hợp đồng tín dụng, góp phần xử lý nợ xấu trên tinh thần của Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Theo Thống đốc, việc ban hành văn bản kịp thời của Tòa án nhân dân đã làm cho các TCTD hết sức phấn khởi và kỳ vọng việc xử lý tài sản đảm bảo trong thời gian tới được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Thống đốc cũng khẳng định, với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống, mục tiêu giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống ngân hàng, đưa nợ xấu về dưới mức 3% một cách bền vững sẽ được đảm bảo, qua đó khơi nguồn vốn ngân hàng hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ ban hành Kế hoạch hành động của ngành, chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phù hợp với mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại đề án.
Trong đó có sự phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới các đơn vị trong ngành ngân hàng để đảm bảo việc triển khai và thực hiện đề án theo đúng mục tiêu đặt ra.
Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; đồng thời yêu cầu mỗi TCTD thành lập Ban chỉ đạo cơ cấu lại để triển khai.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, quyết định.
Riêng đối với VAMC, Thống đốc cũng yêu cầu đơn vị này có trách nhiệm tổ chức quán triệt các quy định của nghị quyết; xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý nợ xấu hàng năm và phương án mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường.