Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành lao động, người có công và xã hội có đối tượng quản lý nhiều, phạm vi rộng nên cần có cách ứng xử đúng đắn, luôn thích ứng, đổi mới, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, vấn đề liên quan đến thể chế, tổ chức thực hiện, phối hợp để quản lý tốt.
Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực và những kết quả mà ngành đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế mà Bộ LĐTB-XH cũng như ngành lao động, người có công và xã hội cần khắc phục trong thời gian tới như: chỉ tiêu về tăng năng suất lao động, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu; thị trường lao động phát triển không đồng đều, bền vững; tổ chức thực hiện chính sách xã hội vẫn là khâu yếu, chưa đồng bộ; tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng...
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ của ngành trong năm 2023 là rất nặng nề, đòi hỏi có sự quyết tâm, tận tâm, sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc và bám sát thực tế, tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần nhân ái, đẩy nhanh phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời quản lý phát triển xã hội bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB-XH phải tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; phối hợp cùng các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chính sách đối với người có công với cách mạng, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tập trung xử lý những vấn đề xã hội bức xúc, quan tâm, tạo sự chuyển biến rõ rệt về việc xác nhận, công nhận người có công; tình trạng bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em, phụ nữ; tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vi phạm hợp đồng; quản lý lao động người nước ngoài ở Việt Nam; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn.