Theo báo cáo của UBND TPHCM tại buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về công tác quản lý chất thải sinh hoạt và xử lý chất thải chăn nuôi vừa qua, hiện thành phố có tổng đàn heo 345.000 con, gồm đàn nái và đàn thịt nuôi tại 5.104 hộ dân và 3 trang trại quốc doanh; đàn trâu, bò hiện có hơn 136.800 con, gồm các đàn trâu, bò sữa, bò lai Sind, bò thịt nuôi tại 12.314 hộ dân và 1 trại quốc doanh; đàn dê hiện có 3.500 con, được nuôi tại 71 hộ dân và 1 trại quốc doanh.
Bên cạnh đó, tổng đàn gia cầm là 174.224 con, gồm đàn gà và đàn bồ câu nuôi tại 4 cơ sở chăn nuôi khép kín, đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, vệ sinh thú y tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Thành phố hiện có 507 nhà nuôi yến tại 19 quận, huyện với số lượng khoảng hơn 950.000 con.
Nuôi heo tại hộ gia đình có hầm biogas bảo vệ môi trường tại huyện Hóc Môn. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hiện công tác xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát, không đảm bảo vệ sinh môi trường chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến công tác quản lý giống, dịch tễ và bảo vệ môi trường.
Ý thức chấp hành xử lý chất thải bảo vệ môi trường chăn nuôi của một số hộ dân chưa cao, nhất là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chưa ban hành các quy định về quản lý môi trường trong chăn nuôi.
Trong khi đó, quy định về nước thải trong chăn nuôi thuộc trách nhiệm của ngành tài nguyên môi trường và UBND các quận, huyện nên công tác phối hợp quản lý chưa hiệu quả.
Trước thực tế trên, TPHCM đã triển khai hỗ trợ (một lần) đến 50% giá trị xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, cũng như 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn xây mới, sửa chữa, cải tạo công trình khí sinh học hoặc đệm lót sinh học, hỗ trợ kinh phí xây mới công trình xử lý chất thải chăn nuôi.
Đến nay, thành phố đã hỗ trợ xây dựng 5.483 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn; triển khai dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap), đã xây dựng được 2 vùng GAHP (vùng áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt) tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, đáp ứng các tiêu chí GAHP, hình thành 48 nhóm GAHP với 990 hộ tham gia, thành lập 8 tổ hợp chăn nuôi heo an toàn, xây 914 hầm biogas composite.
UBND TP đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tuyên truyền các quy định của pháp luật về môi trường chăn nuôi, lồng ghép trong công tác tập huấn tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đầu tư xây dựng 18 mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thịt cho 54 hộ và thử nghiệm chế phẩm BIMIX làm đệm lót sinh học của Trung tâm Công nghệ sinh học tại huyện Củ Chi và Bình Chánh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tiết kiệm chi phí nước tắm và rửa chuồng, giảm thiểu mùi hôi và ô nhiễm môi trường.
Đề xuất về giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi, GS-TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: “Hiện vẫn còn tình trạng hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư nên có thể gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực; vì vậy, cần quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung nằm xa khu dân cư, có chuồng, trại và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, các ngành và địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chuồng, trại của hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cũng như các trang trại lớn về thiết kế đảm bảo đủ ánh sáng, lưu thông không khí, hệ thống xử lý mùi hôi, nước thải và chất thải. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại lớn ngoài việc thực hiện hầm biogas thu khí metal làm chất đốt, còn có thể thu sản phẩm là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.