Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 2 vụ án, 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 10-11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27-4-2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra 11 vụ án/151 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 11 vụ án/193 bị can, đưa ra xét xử sơ thẩm 13 vụ án/121 bị cáo.
Trong đó, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Novaland 79; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Sacombank, TPBank và BIDV; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVTEX và các đơn vị liên quan; Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam...
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị đưa ra xét xử các vụ án: Vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB).
Các cơ quan chức năng tích cực xác minh, điều tra làm rõ 1 vụ án, 3 vụ việc, 6 kiến nghị của Hội đồng xét xử sơ thẩm liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; mở rộng điều tra, khởi tố mới 2 vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng khẩn trương chỉ đạo hoàn thành thủ tục tuyên bố phá sản đối với Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII); trên cơ sở đó, tích cực làm rõ sai phạm để xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các cơ quan chức năng cũng đã tích cực kê biên, thu giữ tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật 5 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có sai phạm liên quan trong các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Thanh tra Chính phủ kết luận và công khai kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn; kết luận, chuyển Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan. Những kết quả trên tiếp tục khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến phát biểu rất thiết thực, thẳng thắn, chất lượng, không khí thảo luận tích cực, thể hiện tinh thần quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm rõ thêm nhiều vấn đề và thống nhất rất cao. “Điều này rất quan trọng, tạo bước chuyển mới trong thời gian tới. Chúng ta có khí thế, có quyết tâm, có cách làm, phối hợp tốt thì sẽ tạo tiền đề để sắp tới làm tốt hơn”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, chúng ta không bằng lòng, thỏa mãn. Các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng cao hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu đến hết năm 2018 kết thúc điều tra 08 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3 vụ án; xét xử sơ thẩm 2 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; xét xử nghiêm minh vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB); khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc liên quan đến Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm; kết thúc điều tra, truy tố vụ án“Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương, tích cực thu hồi tài sản cho Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan đến Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (ALCII).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh chống tham nhũng vặt: “Việc này lâu nay đã nói rồi, như ghẻ ruồi rất khó chịu, gây mất lòng tin trong nhân dân, đặc biệt là các cơ quan hành chính, om giấy tờ của người ta đấy, rồi hẹn, bắt người ta đi lại nhiều lần, rất khó chịu”.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, chỗ nào đã hẹn thời gian mà không làm được, bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp xử lý.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, phải kịp thời khen thưởng những nơi làm tốt, phê bình nghiêm khắc, thậm chí xử lý cơ quan nào làm không nghiêm túc công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tỉnh, thành phố nào làm tốt thì được khen, cán bộ làm tốt được đề bạt cất nhắc, thậm chí vượt cấp… Những nơi làm không tốt, không những không có khen thưởng mà còn bị kỷ luật; đồng thời phải có chế độ chính sách đối với anh em làm việc trong lĩnh vực này.