Nhiều phụ huynh, thí sinh thẳng thắn cho biết, dù có tập dượt đăng ký dự thi (ĐKDT) bằng hình thức trực tuyến thử, nhưng đến khi điền hồ sơ online thật vẫn không thể an tâm. “Phần mềm rồi đường truyền thường không ổn định, tôi sợ trong quá trình đăng ký xảy ra lỗi kỹ thuật dễ khiến học sinh điền sai, thông tin đã được ghi nhận thì sau đó có được điều chỉnh không?”, bạn đọc Trần Văn Thuận lo lắng.
Th.S Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) nhìn nhận: “Đúng là đăng ký trực tuyến đang là mối lo của học sinh và phụ huynh, vì người học hoàn toàn chịu trách nhiệm về các thông tin trên hồ sơ đăng ký. Để không xảy ra sai sót, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn thông tin gồm 16 mục, cẩn thận trước khi điền các thông tin, khi có chỗ chưa hiểu, hoặc xảy ra sự cố trong quá trình đăng ký thì liên hệ với thầy cô và nhà trường để được hướng dẫn hỗ trợ”.
Trả lời thắc mắc cho một thí sinh tự do thường trú tại Vĩnh Long, Th.S Tạ Xuân Vĩnh, Trưởng bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, cho biết, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện ĐKDT trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi tại địa chỉ: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn.
Trong khi đó, thí sinh tự do sẽ không thực hiện đăng ký trực tuyến, mà ĐKDT trực tiếp tại đơn vị đăng ký dự thi do Sở GD-ĐT quy định (thường là các trung tâm giáo dục thường xuyên). Ngoài ra, thí sinh tự do cũng được quyền chọn từng môn lẻ trong tổ hợp để dự thi (học sinh lớp 12 thì phải chọn cả tổ hợp dự thi để xét tốt nghiệp).
Nhiều phụ huynh, thí sinh gửi câu hỏi đến giao lưu trực tuyến băn khoăn việc lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học. Giải tỏa băn khoăn này, các chuyên gia hướng nghiệp - tuyển sinh có lời khuyên: chọn một tổ hợp “mạnh nhất” để dự thi.
Bạn đọc Hoàng Văn Mai (quận 6, TPHCM) nêu rõ vấn đề hiện gia đình đang vướng mắc là đã đến ngày ĐKDT rồi nhưng vẫn lăn tăn giữa 2 tổ hợp, chưa thể dứt khoát chọn tổ hợp nào để dự thi, vì sức học của con không giỏi nên cần chọn tổ hợp nào có lợi hơn cho thi và xét tuyển sau này. Cũng như vị phụ huynh trên, không ít thí sinh lưỡng lự bởi tổ hợp Khoa học xã hội dễ học bài, dễ đạt điểm cao, nhưng con đường xét tuyển vào đại học lại hẹp, trong khi tổ hợp Khoa học tự nhiên thì khó “ăn điểm” nhưng cơ hội xét tuyển rộng cửa hơn…
Trước thực tế trên, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng, tuy tổ hợp Khoa học xã hội có ít ngành nghề xét tuyển hơn so với tổ hợp Khoa học tự nhiên, nhưng thay vì lăn tăn rằng có nên “giăng lưới” chọn nhiều môn, tổ hợp để tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học thì các em nên tập trung xác định sở thích ngành nghề và thế mạnh học tập của mình để ĐKDT. Chỉ khi xác định được thế mạnh, các em dồn sức tập trung vào học tập chăm chỉ cho số ít môn học sẽ dễ đạt kết quả cao hơn là dàn đều. Và khi đó, tự khắc cơ hội trúng tuyển sẽ cao và còn đúng chuyên ngành yêu thích.
Cụ thể hơn, Th.S Huỳnh Thanh Phú khuyên phụ huynh và thí sinh có thể dựa vào các căn cứ sau để lựa chọn tổ hợp dự thi phù hợp. Đó là, định hướng chọn tổ hợp thế mạnh từ thầy cô và trường THPT nơi các em đang học, bởi họ là những người sâu sát nhất, biết rõ khả năng của học trò; xác định ngành, trường yêu thích và chọn thi tổ hợp chứa những môn thi mà ngành, trường đó xét tuyển. Hơn nữa, với quy chế thi năm nay, mỗi thí sinh chỉ được chọn duy nhất 1 tổ hợp để dự thi, bởi thời gian thi của 2 tổ hợp trùng nhau.