Tham dự tại điểm cầu UBND TPHCM có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. Dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM...
Quyết liệt phòng chống dịch
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, qua 15 ngày triển khai thực hiện, TPHCM đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân. Qua nhiều kênh thông tin cho thấy, hầu hết người dân ủng hộ những quyết sách và phương thức chống dịch. Toàn bộ hệ thống chính trị từ TPHCM đến cơ sở đều tham gia vào công tác phòng chống dịch bằng nhiều hình thức. Các tổ chức tôn giáo và nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp… đều có nhiều đóng góp, chung tay cùng TPHCM nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra, việc thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn TPHCM và thúc đẩy xét nghiệm diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều F0; xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng. Trong thời gian này, TPHCM đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân; tập trung hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội.
Ảnh: VIỆT DŨNG
Dù TPHCM đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng theo đồng chí Dương Anh Đức, số ca mắc mới vẫn còn tăng cao, đa số tại khu phong tỏa. Điều này cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và còn tình trạng đưa thông tin xấu, bịa đặt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng gặp khó khăn khiến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TPHCM tăng; đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của tiểu thương khó khăn nên giá cả tăng mạnh ở một số điểm bán; tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, khi nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm…
Giữ vững và mở rộng vùng an toàn
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa. Việc này nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn, kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca mắc mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong. TPHCM tập trung siết chặt quản lý, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện cách ly tại nhà đối với F1 và F0 không có triệu chứng.
Tại buổi sơ kết, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đặt ra những câu hỏi cụ thể đối với lãnh đạo các địa phương về những nội dung cần thảo luận liên quan đến việc cụ thể hóa Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Trong đó có việc xác định trách nhiệm của chính quyền trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân ở khu vực có nguy cơ rất cao cũng như đối với các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà. |
TPHCM cũng nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để chủ động trong mọi tình huống. Cùng với đó là thực hiện giảm tải cho hệ thống y tế, phân tầng điều trị theo hệ thống 5 tầng, trong đó tăng cường điều trị và quản lý, theo dõi tại nhà; khẩn trương thực hiện cách ly theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại nhà đối với F0, F1 và không để lây nhiễm tại cộng đồng. TPHCM cũng nỗ lực thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị và kịp thời xử lý ngay khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng.
Phát biểu tại buổi sơ kết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ thống nhất khi Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kịp thời có Chỉ thị 12 về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Theo đồng chí, tình hình hiện nay TPHCM cần thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, UBND TPHCM sớm tổ chức thực hiện Chỉ thị 12, nêu ra cụ thể các việc cần làm để người dân thực hiện.
Đồng chí Trương Hòa Bình khuyến khích làm việc trực tuyến và nhấn mạnh, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Các doanh nghiệp phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, tuân thủ “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” mới được sản xuất. TPHCM phải thực hiện nghiêm cách ly nhà với nhà, khu phố với khu phố, phường với phường. Cùng với đó, TPHCM tập trung truy vết có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao, tách F0 ra khỏi cộng đồng; sớm “xanh hóa” nhiều “vùng đỏ”. Tăng cường tìm nguồn, tiếp cận vaccine, thực hiện tiêm chủng với người dân; tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế cho các khu vực phức tạp.
281.000 lao động tự do đã nhận hỗ trợ khoảng 422 tỷ đồng TPHCM đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, 281.000 người lao động tự do (100%) đã nhận hỗ trợ khoảng 422 tỷ đồng; gần 50.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc (61%) được hỗ trợ khoảng 61 tỷ đồng. Gần 5.000 hộ kinh doanh (99%) nhận hỗ trợ gần 10 tỷ đồng và hơn 10.000 điểm kinh doanh tại chợ truyền thống (80%) nhận hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng. TPHCM cũng triển khai kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 qua Cổng thông tin 1022. |