Tập trung theo dõi thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh ​

Sáng 19-3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. 

 

Quang cảnh phiên chất vấn
Quang cảnh phiên chất vấn

Nội dung chính của buổi chất vấn là các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng đề án, dự án xây dựng pháp luật; thẩm định các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Đầu tư xây dựng thể chế chưa tương xứng

Theo Báo cáo số 60/BC-BTP phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22, công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH thời gian qua đã đạt được những kết quả cụ thể và có những bước chuyển biến mới, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình). Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chậm so với quy định. Ví dụ, gần đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội.

Bản báo cáo nhận định, thời gian qua, số lượng các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung là rất lớn, trong khi đó Luật năm 2015 yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong những năm đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, các bộ, ngành còn phải dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội; sự quan tâm và đầu tư nguồn lực của một số bộ, ngành đối với công tác xây dựng thể chế chưa tương xứng…

Còn nợ 22 văn bản quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh
Về tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết đã được nêu nhiều năm qua, Bộ Tư pháp cung cấp thông tin, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 09 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, tính đến ngày 12-3-2018 còn nợ 22 văn bản (10 nghị định, 02 quyết định, 08 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.

Trong thời gian qua, số lượng luật, pháp lệnh được ban hành tương đối lớn; một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết. Đơn cử, Luật Du lịch có 33 nội dung giao quy định chi tiết; Luật Quản lý ngoại thương có 24 nội dung; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 17 nội dung)…

Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ, phải chờ kết quả thực hiện thí điểm chính sách. Chẳng hạn, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng đang phải xin ý kiến UBTVQH do còn có cách hiểu khác nhau về quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014…

Một lĩnh vực khác thuộc chức năng của Bộ Tư pháp là theo dõi thực thi pháp luật. Báo cáo nêu trên khẳng định, lĩnh vực trọng tâm sẽ được Bộ chú trọng theo dõi trong năm 2018 là điều kiện đầu tư kinh doanh (năm 2015: chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; năm 2016: nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; năm 2017: hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp).

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 2 năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 9.415 văn bản; phát hiện, kiến nghị xử lý 301 văn bản trái pháp luật, nhất là một số thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trình Chính phủ thông qua 67/265 đề mục của Bộ pháp điển với gần 2.000 văn bản được rà soát...

Tin cùng chuyên mục