Cụ thể, theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát, triển khai chương trình nâng cao năng lực cho HTX và doanh nghiệp tham gia Đề án; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn; chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn; chương trình thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL trên địa bàn...
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Như việc áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện, nhưng người dân vẫn còn lạm dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, gây lãng phí, suy giảm tài nguyên, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính và tăng chi phí sản xuất. Trong đó, việc giảm lượng giống được quan tâm.
Hiện nay, số diện tích gieo sạ trên 150kg/ha giảm mạnh (phần nhiều gieo sạ 100-120kg/ha), tuy nhiên, để giảm lượng lúa giống gieo sạ dưới 70kg/ha trong vùng thực hiện Đề án cần tập trung nhiều giải pháp để thay đổi thói quen canh tác của người dân. Hay người dân hạn chế đốt đồng, thực hiện thu gom và tái sử dụng rơm cho các mục đích khác, nhưng việc này trong vụ hè thu còn gặp khó.
Do vậy, việc đảm bảo mục tiêu 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng, được chế biến, tái sử dụng cũng cần quan tâm thực hiện. Mặt khác, việc liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX, tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn thấp. Do vậy, thời gian tới cần sự tập trung của các sở ngành, địa phương để tổ chức liên kết doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp chất lượng, theo hướng hữu cơ, bền vững, doanh nghiệp thu mua để cùng tham gia thực hiện Đề án.
Cuối cùng là nguồn vốn. Để thực hiện Đề án cần một nguồn vốn rất lớn. Theo kế hoạch của tỉnh Long An, nguồn vốn thực hiện gồm ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế, nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế, để giải bài toán vốn cho Đề án không đơn giản. Chỉ tính riêng ở huyện Vĩnh Hưng, nguồn vốn cần thực hiện như các công trình thủy lợi cần đầu tư cho vùng Đề án, danh mục cần hỗ trợ cho HTX trong vùng triển khai thực hiện Đề án đến năm 2025 và 2030 với tổng mức là 525,5 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 367,85 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 157,65 tỷ đồng…