Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tại 63 tỉnh, thành đã kiểm tra gần 282.000 cơ sở, phát hiện hơn 38.100 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; đã xử lý gần 6.800 cơ sở với số tiền phạt gần 15,8 tỷ đồng. Bên cạnh các hình thức xử phạt chính, các địa phương còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động; đình chỉ lưu hành; tiêu hủy sản phẩm…
Cơ quan chức năng cũng đã kiểm nghiệm 91.533 mẫu thực phẩm, số mẫu không đạt là 6.422 mẫu, chiếm 7%. Các mẫu thực phẩm về các chỉ tiêu hóa lý không đạt chủ yếu do có hàn the, formaldehyt, Rhodamine B; rượu có hàm lượng methanol, aldehyt vượt quá quy định; hàm lượng kim loại nặng... Toàn quốc ghi nhận 47 vụ ngộ độc thực phẩm làm 22 trường hợp tử vong.
Các thành viên Ban chỉ đạo tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP tại phường xã sau 1 năm tiếp tục thực hiện thí điểm.
Ban chỉ đạo thống nhất cho rằng hoạt động của lực lượng này rất cần thiết đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho tiếp tục triển khai.
Mặc dù nhận thức về ATTP của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực song một số thành viên Ban chỉ đạo cho rằng vẫn cần những giải pháp quản lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn nữa.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã xử lý hơn 2.000 vụ việc về vệ sinh ATTP nhưng chỉ khởi tố được 3 vụ vì các quy định hiện nay rất vướng. Thực tiễn từ các địa phương cũng cho thấy nếu chỉ tiến hành thanh tra theo kế hoạch 1 lần/năm thì không phù hợp với lĩnh vực quản lý vệ sinh ATTP, quan trọng nhất là phải tăng cường thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người dân, các nguồn tin khác nhau.
Bên cạnh việc thanh tra, xử lý ngay các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức… vi phạm về vệ sinh ATTP cần có thêm những chế tài mạnh hơn, đặc biệt thực hiện các biện pháp bổ sung như buộc đóng cửa, dừng kinh doanh… nếu phát hiện trường hợp tái phạm.
Ban chỉ đạo cho rằng thời gian tới cần tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói ở trong nước và nhập khẩu, bởi theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều sản phẩm thực phẩm đóng gói có thể chứa các chất phụ gia hoặc quy trình sản xuất, chế biến không bảo đảm vệ sinh ATTP.