Bà Nguyễn Huỳnh Trang: Theo tôi, CTBOTT các mặt hàng thiết yếu năm 2018 tiếp tục thành công về nhiều mặt, quy tụ được đội ngũ doanh nghiệp (DN) tham gia hùng hậu với 90 đơn vị (gồm 78 DN sản xuất và 12 tổ chức tín dụng), cung ứng hàng ngàn mặt hàng thiết yếu, giúp hàng bình ổn tại TPHCM chi phối thị trường, ổn định giá cả. Tình trạng tăng giá bất hợp lý do khan hiếm hàng hóa giả tạo tại các chợ bán lẻ vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hoàn toàn bị đẩy lùi. Tổng doanh thu hàng BOTT năm 2018-2019 đạt 30.652,4 tỷ đồng, tăng 9,84% so năm 2017-2018. Tổng số điểm bán hàng bình ổn đến cuối chương trình là 10.983 điểm bán, tăng 381 điểm bán so với đầu chương trình.
Bên cạnh sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn cung; đa dạng, phong phú về sản phẩm và ổn định về giá cả, hàng hóa chương trình năm 2018 cũng được các DN tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sản phẩm sạch, được người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao. Công tác tạo nguồn hàng được triển khai theo mục tiêu xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của DN, khuyến khích các DN sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường.
Năm 2018 là năm đầu tiên TPHCM triển khai việc sơ chế tại nguồn đối với mặt hàng rau củ quả tại 3 chợ đầu mối và đã đạt hiệu quả bước đầu. Đến nay, hoạt động sơ chế rau củ quả trong các nhà lồng chợ đã giảm đáng kể, góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào TP; đồng thời đảm bảo việc tiến tới truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương lãnh đạo TPHCM đã đề ra.
Hiệu quả từ CTBOTT, cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế chính sách gỡ khó cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp TPHCM thành công trong việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng, cũng như ổn định an sinh xã hội. Với việc tham gia chương trình bình ổn giá, các DN không chỉ được quảng bá, tuyên truyền sản phẩm mà còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ chương trình, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Đây cũng là cơ sở để TPHCM tập hợp, phát triển được đội ngũ DN mạnh, có đủ khả năng cung ứng hàng hóa chi phối thị trường.
Chương trình đã góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vì 100% hàng hóa tham gia chương trình được sản xuất trong nước.
CTBOTT năm 2019 và Tết Canh Tý 2020 đang được triển khai ra sao? Số lượng DN cũng như các nhóm hàng và sản lượng hàng bình ổn sẽ tăng - giảm như thế nào so với năm 2018?
Năm 2019, TPHCM tiếp tục thực hiện 4 CTBOTT gồm lương thực - thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu và mặt hàng sữa. Theo đó, các nhóm hàng và cơ cấu từng mặt hàng bình ổn sẽ không thay đổi so với chương trình năm 2018. Tổng số DN tham gia 4 chương trình là 79 DN, trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao lần đầu tham gia như: C.P. Việt Nam (thịt gia súc, trứng gia cầm), Bình Minh (thịt gia cầm), Anh Hoàng Thy (thịt gia súc), Vinamit (rau củ quả tươi, trái cây sấy)…
Về cách làm, năm nay TPHCM tiếp tục thực hiện kết nối giữa ngân hàng và DN để tìm các nguồn vốn với lãi suất hợp lý cho DN vay. Ngoài số lượng tham gia cung ứng và phân phối trực tiếp hàng hóa cho chương trình, thì các DN, vệ tinh tại TPHCM và các tỉnh thành khác đang thực hiện việc liên kết sản xuất cung ứng hàng hóa, cũng sẽ được giới thiệu với các tổ chức tín dụng để xem xét vay vốn với lãi suất hợp lý. Song song đó, TPHCM cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng hàng hóa.
Đối với các DN tham gia phân phối, TP cũng khuyến khích việc tăng cường đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm theo cách Saigon Co.op đã triển khai từ nhiều năm qua. Tiếp tục hướng các DN hoạt động và sản xuất kinh doanh theo chuỗi cung ứng sản phẩm, tức mỗi DN sẽ tham gia vào một khâu trong chuỗi cung ứng đó, DN sản xuất sẽ chuyên vào sản xuất, DN phân phối thì tập trung khâu phân phối...
Ngoài ra, TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ DN phát triển mạnh các điểm phân phối hàng hóa; tăng cường thực hiện các chương trình kết nối sản xuất - phân phối giữa TPHCM với các tỉnh thành, thông qua việc tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Như tôi đã nói, CTBOTT năm 2019 tiếp tục thực hiện dựa trên kết quả đạt được của năm trước đó. Sau mỗi năm, chúng tôi sẽ đánh giá những mặt mạnh, điểm yếu của chương trình để rút kinh nghiệm thực hiện ngày càng hiệu quả.
Nếu những năm trước, chương trình tập trung vào việc hỗ trợ các DN phát triển nguồn hàng, xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh thì đến năm 2018, chúng tôi đã đi xa hơn, đó là khuyến khích DN sản xuất hàng hóa theo tín hiệu thị trường, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng. Từ tháng 7-2018, chúng tôi đã làm việc với các tỉnh thành, DN và 3 chợ đầu mối để hướng đến việc thực hiện sơ chế, đóng gói hàng nông sản từ đầu nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải khi đưa hàng vào TPHCM. Cách làm này đã đạt được những kết quả nhất định, do vậy trong CTBOTT năm 2019 - Tết Canh Tý 2020, chúng tôi đầu tư nhiều hơn cho các nội dung này.
Đặc biệt, trong CTBOTT năm 2019 còn triển khai thực hiện kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch, với 2 nội dung chính là xây dựng danh mục sản phẩm và hoạt động kết nối tiêu thụ vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch.
Mới đây, Sở Công thương, Sở Du lịch và Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã thống nhất năm 2019 triển khai việc tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu đối với sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tiêu thụ vào hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn TPHCM. Xây dựng thí điểm điểm bán sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền tại các điểm du lịch và tổ chức quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền đến du khách du lịch tại TPHCM thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa…
Tôi cho rằng, đây là hoạt động mới và thiết thực, là cơ hội để các sản phẩm an toàn, đặc sản, đặc trưng, tiềm năng của các địa phương, vùng miền và TPHCM có cơ hội mở rộng thị trường nội địa, xuất khẩu tại chỗ, quảng bá ra thị trường quốc tế thông qua khách du lịch là người nước ngoài.
Như một số DN phản ánh, nguồn vốn để thực hiện các CTBOTT rất dồi dào, phong phú. Tuy nhiên, việc giải ngân không hề dễ dàng, lãi suất vẫn còn cao, bà có nhận định gì về thực tế này? Cách giải quyết ra sao?
Theo số liệu chúng tôi có được, tổng nguồn vốn của 12 tổ chức tín dụng tham gia chương trình đã đăng ký hỗ trợ DN vay thực hiện BOTT là 19.650 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn 5,5%-7%/năm, trung và dài hạn 9%-10%/năm).
Ngày 16-4 vừa qua, trên tinh thần thống nhất nội dung tại cuộc họp giữa lãnh đạo Sở Công thương và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TPHCM, Sở Công thương đã có văn bản rà soát thông tin vay vốn thực hiện CTBOTT của từng DN, kết nối hiệu quả với từng ngân hàng. Cách làm này nhằm đảm bảo quyền lợi thiết thực của DN tham gia chương trình được kết nối với các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa, cung ứng phục vụ BOTT xuyên suốt thời gian thực hiện chương trình.
Hiện chúng tôi đang tổ chức đi thực tế tại các DN, nắm bắt thêm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong trường hợp DN còn gặp vướng mắc, có thể thông tin về Sở Công thương TPHCM để kịp thời được giải quyết.
Xin cảm ơn bà!