Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm ở vật nuôi như cúm gia cầm (đã xảy ra tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh), bệnh lở mồm long móng (đã xảy ra tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Tiền Giang) có diễn biến phức tạp, gia tăng nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Để khẩn trương phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các địa phương đang có dịch bệnh động vật, tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài; trường hợp các ổ dịch có nguy cơ phát sinh, lây lan diện rộng, cần công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.
Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, thực hiện đồng loạt cùng thời điểm (trong vòng 7-10 ngày) việc tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm; chấn chỉnh các hoạt động thú y cơ sở; tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh...
Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành chức năng của tỉnh vừa tiến hành tiêu hủy gần 1.000 con gia cầm bị nhiễm cúm A/H5N1. Trước đó, ngày 14-2, đàn gia cầm (gà, vịt) với hơn 2.000 con của 2 hộ dân ở xã Châu Điền và Hòa Ân thuộc huyện Cầu Kè, có dấu hiệu chết bất thường. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh) đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan Thú y Vùng VII xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đàn gia cầm của 2 hộ trên dương tính với cúm A/H5N1.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức tiêu hủy gần 1.000 con gia cầm mắc bệnh và chết, đồng thời hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng 2 lần/ngày, liên tục trong 7 ngày. Đơn vị cũng phối hợp với địa phương rà soát, thống kê tổng đàn, số hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn để xây dựng kế hoạch dập dịch kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành thú y cũng thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức hộ chăn nuôi về tính chất nguy hiểm và lây lan của dịch bệnh, vận động hộ chăn nuôi hàng ngày kiểm tra thể trạng của gia cầm, khi phát hiện triệu chứng bất thường báo ngay cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh, chết để tránh lây lan mầm bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vaccine cúm gia cầm. Tỉnh Trà Vinh có tổng đàn gia cầm 7,5 triệu con, đa phần là chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó tiêm phòng, xử lý khi có dịch bệnh.